Xóa bỏ “biên chế suốt đời” để loại bỏ viên chức yếu kém
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật lần này được đánh giá là có tác động mạnh mẽ tới đội ngũ viên chức là quy định chấm dứt chế độ biên chế suốt đời với viên chức. Cụ thể, Luật quy định viên chức vẫn thực hiện hai loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.
Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn, còn gọi là chế độ biên chế suốt đời của viên chức, sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020, trừ cán bộ, công chức chuyển thành viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, mục tiêu của chính sách này theo đúng tinh thần quan điểm, chỉ đạo của Nghị quyết 19 của T.Ư , đồng thời xuất phát từ thực trạng là dù đã có cơ chế, quy định để đánh giá, đào thải đối với đội ngũ công chức, viên chức nhưng dường như từ trước đến nay rất khó làm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, Luật đã tiếp thu những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm như việc phải ký đi ký lại hợp đồng sẽ gây cho đội ngũ viên chức, nhất là đối tượng giáo viên, bác sĩ có tâm lý không yên tâm làm việc hay việc phát sinh thủ tục hành chính dễ xảy ra tiêu cực. Cụ thể, trước đây, thời hạn ký hợp đồng được quy định trong Luật Viên chức là từ đủ 12 - 36 tháng thì Luật lần này đã nâng lên từ đủ 12 - 60 tháng.
Luật cũng quy định rõ và bổ sung kèm với quy định ký kết hợp đồng xác định thời hạn là nếu đơn vị sự nghiệp còn có nhu cầu và viên chức đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị bắt buộc phải tiếp tục ký kết hợp đồng với chính viên chức đó chứ không được phép không tiếp tục ký kết để tuyển một người mới. Quy định này được kỳ vọng sẽ loại bỏ những người yếu kém, đồng thời sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm, cạnh tranh bình đẳng. Cách làm này cũng tạo cơ hội cho những người trẻ có năng lực phát huy khả năng của mình; các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện và cơ hội lựa chọn nhân lực phù hợp với yêu cầu của đơn vị, giảm tình trạng vào được cơ quan Nhà nước là an phận suốt đời.
Mở rộng đối tượng xét tuyển công chức
Liên quan đến quy định tuyển dụng công chức, trước đây, các hình thức thi tuyển, xét tuyển hay tuyển dụng đặc biệt chỉ được quy định tại các Thông tư, Nghị định... nhưng chưa được luật hóa. Lần này Luật đã bổ sung thêm các trường hợp được xét tuyển. Cụ thể như, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng...
Luật cũng bổ sung và quy định rõ các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức từ cấp huyện trở lên đối với viên chức, cán bộ và công chức cấp xã, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang; người làm công tác cơ yếu, người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong DN Nhà nước và người đã từng là cán bộ, công chức.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác là Luật đã bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước 1/7/2020), loại bỏ quan niệm “hạ cánh an toàn”.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, nhằm triển khai thi hành Luật, năm 2020, Chính phủ sẽ ban hành 5 nghị định, thay thế các nghị định hiện hành gồm: Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức; Nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức... |