Na Uy đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, phản ánh trực tiếp gói trừng phạt kinh tế thứ mười của EU.
Theo RT, trong khi chính phủ Na Uy khẳng định rằng chính sách này đang gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, thì Oslo cũng bị ảnh hưởng nhất định bởi những chính sách này.
Bộ lệnh trừng phạt mới nhất được chính phủ Na Uy công bố hôm 4/4, 5 tuần sau khi EU áp đặt gói lệnh trừng phạt gần như tương tự.
Các hình phạt mới của Na Uy bao gồm việc đưa vào danh sách đen 87 cá nhân và 34 tổ chức của Nga, cấm nhập khẩu một số nguyên liệu thô từ Nga và cấm buôn bán “hàng hóa công dụng kép”, một thuật ngữ dùng để chỉ công nghệ và linh kiện với cả ứng dụng dân sự và quân sự.
Mỗi gói trừng phạt liên tiếp do EU áp đặt đều được Na Uy áp dụng với những thay đổi nhỏ. Mặc dù Na Uy không phải là thành viên của EU, Ngoại trưởng Anniken Huitfeldt cho biết, việc đưa ra các biện pháp trừng phạt tương tự với khối này thể hiện "phản ứng mạnh mẽ và rõ ràng của châu Âu đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine."
Ngoại trưởng Huitfeldt tuyên bố: “Các biện pháp trừng phạt đang có tác động đến nền kinh tế Nga và ngăn cản các đầu vào quan trọng tiếp cận ngành công nghiệp chiến tranh của Nga”.
Theo RT, các lệnh trừng phạt của EU, đặc biệt là lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, đã đẩy khối này vào cuộc khủng hoảng lạm phát leo thang và chi phí năng lượng kỷ lục. Trong khi đó, các biện pháp này đã không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga như các chính trị gia và chuyên gia phương Tây đã dự đoán. Theo số liệu của IMF, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay so với Đức.
Giống như Nga, Na Uy là nước xuất khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch và do đó có vị trí tốt hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng so với hầu hết các đối tác EU. Tuy nhiên, Oslo đang đối diện tình trạng thất thu và 2,4 tỷ USD Mỹ trong quỹ đầu tư quốc gia - một quỹ hưu trí công được hình thành từ thặng dư doanh thu từ dầu mỏ - hiện đang bị đóng băng tại một ngân hàng Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây.