|
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính trao Giấy chứng nhận cho các học viên lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng (Khóa XII). Ảnh: Hoàng Mẫn. |
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đánh giá Đề án có ý nghĩa rất tích cực trong xu hướng đào tạo cán bộ trẻ hiện nay, song cơ chế vận hành chế độ tập sự này thế nào cần được lắng nghe kỹ lưỡng ý kiến từ nhiều phía để phù hợp thực tiễn.
Cơ chế để được “quyết”Ông nhận định Đề án này có ý nghĩa thế nào trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ hiện nay, liệu sẽ phát huy được hiệu quả thực tế ra sao?- Theo tôi biết, ý tưởng của Đề án đã có khá lâu, và mục tiêu của chế độ tập sự lãnh đạo quản lý đã được nêu rõ trong Luật Cán bộ công chức. Song, nếu trước kia áp dụng cho cấp phó ở nhiều vị trí thấp hơn, tới đây áp dụng đến vị trí thứ trưởng. Tôi rất ủng hộ đề án này, vì cùng với luân chuyển, giao nhiệm vụ…, tập sự là một cách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) rất tốt, đặc biệt cần thiết với lực lượng cán bộ trẻ để có đội ngũ kế cận phù hợp. Qua một vài năm tập sự, nhận thấy cán bộ khẳng định được năng lực bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì đơn vị có thể bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo đó ngay, như vậy sẽ nhanh hơn việc cứ tuần tự từng bước mới bổ nhiệm.
Tuy nhiên, vấn đề khiến tôi băn khoăn nhất, cần giải quyết thấu đáo là cơ chế cho tập sự nên thế nào để việc đào tạo bồi dưỡng này phát huy hiệu quả cao. Bởi, đã là tập sự thì về pháp lý phải đầy đủ quy trình, đưa cán bộ vào đúng vị trí với đủ quyền hạn và trách nhiệm thực hiện công vụ một cách chính thức. Đơn cử, nếu tập sự vị trí thứ trưởng thì cán bộ phải được quyết định một số công việc, có quyền giao nhiệm vụ cho các vị trí cấp dưới theo đúng lĩnh vực phụ trách nếu không có thể sẽ mất cán bộ. Nhưng vì vẫn là người tập sự nên đương nhiên có lúc làm đúng lúc làm sai - điều này cũng cần tính toán và nên được thông qua bởi một tập thể có trách nhiệm.
Được biết, một định hướng quan trọng của Đề án là sẽ làm rõ việc đưa ra khỏi quy hoạch những người không đạt yêu cầu hoặc không hoàn thành chế độ tập sự. Ý kiến của ông thế nào?- Tôi thấy việc này rất cần thiết. Nếu sau quá trình tập sự không đạt yêu cầu của vị trí công việc đó thì cần đưa cán bộ ra khỏi quy hoạch và từ đó đương nhiên không thể bổ nhiệm. Quan trọng là kèm theo cơ chế để cá nhân được quyết định một số công việc thì phải quy định chặt chẽ. Để sau này nếu quyết định của họ để xảy ra hậu quả thì họ phải chịu trách nhiệm và cả người đào tạo bồi dưỡng, hướng dẫn họ cũng chịu trách nhiệm. Trước khi họ đưa ra một quyết định, đều cần có ý kiến của tập thể, giúp cá nhân trong quá trình tập sự nâng cao nhận thức, kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ, tránh đến lúc xảy ra sự cố thì khó xử lý. Đặc biệt, để thực hiện công việc theo đúng tư thế ở vị trí đó thì việc đưa ra quyết định cũng không thể là thí điểm mà phải là quyết định chính thức. Bởi lẽ, ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có tác động không chỉ đến một người, một tập thể nhỏ mà đến cả xã hội, mọi người đều phải theo. Do đó, cần có cách thức, cơ chế để đảm bảo sản phẩm của người tập sự phù hợp thực tế xã hội, và đánh giá được năng lực của họ.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh |
Quy trình không nên rườm ràMột mục tiêu khác của Đề án là sẽ xác định được mối quan hệ giữa 3 vấn đề quan trọng hiện nay trong công tác cán bộ: Quy hoạch - tập sự - thí điểm thi tuyển lựa chọn lãnh đạo. Vậy theo ông, Đề án cần xây dựng theo hướng nào để có thể gắn kết các vấn đề đó với nhau một cách hiệu quả?- Trong đào tạo bồi dưỡng CBCC hiện nay, một vấn đề đáng bàn là nếu tập sự đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ rồi thì có cần thiết tổ chức thi tuyển với cán bộ đó nữa hay không? Trước đã có thi tuyển đến cấp vụ trưởng, phó vụ trưởng, nhưng nay là tập sự đến vị trí thứ trưởng rồi thì có phải thi tuyển nữa hay không lại là câu chuyện khác. Tập sự là bước tập dượt để bồi dưỡng đào tạo. Nếu sau tập sự mất ít nhất 2 - 3 năm lại phải qua thi tuyển thì quy trình sẽ rườm rà, thời gian kéo dài và có thể phát sinh nhiều vấn đề, giảm giá trị của tập sự.
Nên chăng, có thể tiến hành đào tạo bồi dưỡng bằng cách giao cán bộ một số nhiệm vụ rồi cho thi tuyển. Còn nếu đã cho tập sự, thấy đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nên bổ nhiệm luôn. Tuy nhiên, cần nhắc lại, áp dụng phương thức này mất thời gian hơn và rất cần rõ ràng về các cơ chế. Bởi một thứ trưởng với tư cách không phải chính thức nhưng phải vận hành công việc với nhiệm vụ và chức danh chính thức, vì không ai ký là “thứ trưởng tập sự” được. Trong khi, thi tuyển chức danh lãnh đạo có ưu điểm nhanh hơn; cán bộ được trực tiếp trả lời phỏng vấn, trình bày đề tài của mình.
Trên tinh thần đó, theo ông, dự thảo Đề án cần phải hoàn thiện những gì trong thời gian tới?- Tôi nghĩ dự thảo Đề án nên được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi trong CBCC từ các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và cả chuyên gia. Quan điểm xuyên suốt nhất là quy trình không rườm rà, chồng lấn, vì cần xác định có nhiều phương thức đào tạo bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo quản lý. Trong đó, tập sự hay thi tuyển đều là phương thức để bổ nhiệm - đã dùng phương thức này thì không nên dùng phương thức khác chồng lấn vào. Nếu thi tuyển là cách khách quan, minh bạch để chọn đúng người tài thì tập sự là cách đánh giá năng lực cán bộ trực tiếp thông qua tập thể, qua các CBCC khác, xem có đáp ứng được vị trí cấp phó đó hay không.
Cần nhấn mạnh, Đề án đặt ra một vấn đề chính sách rất lớn, đụng chạm nhiều yếu tố mà đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nên cần tham khảo nhiều ý kiến trước để hoàn thiện rồi mới trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉnh sửa, ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó, cần nghiên cứu nhiều vấn đề có mối quan hệ xuyên suốt về chủ trương, tư tưởng chung trong xây dựng đội ngũ CBCC, vì mục tiêu cải cách hành chính, nâng chất lượng xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, hiện đại, minh bạch.
Xin cảm ơn ông!Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, đối tượng thực hiện thí điểm tập sự lãnh đạo, quản lý được thực hiện với các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó: Thứ trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng; phó cục trưởng; phó vụ trưởng và tương đương; phó giám đốc sở và tương đương. Tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự gồm: Nam dưới 45 và nữ dưới 40 tuổi; thuộc diện quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm xem xét thực hiện tập sự lãnh đạo quản lý hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đơn vị có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý; được người đứng đầu đề nghị, cấp ủy thống nhất thông qua. |