Phong trào ngày càng rộng khắpLời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm được truyền đi như một lời hịch, thúc giục mọi người về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mỗi thời kỳ cách mạng, giai đoạn phát triển của đất nước, hàng loạt những phong trào thi đua yêu nước phù hợp lại ra đời, được Nhân dânhưởng ứng, mang lại những hiệu quả to lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm.
Từ những phong trào thi đua lớn trong thời kỳ kháng chiến như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Bình dân học vụ”, rồi “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”. Đến các phong trào thực hiện "Sáu điều Bác Hồ dạy" trong lực lượng Công an và "Xứng danh anh bộ đội cụ Hồ" trong Quân đội…
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gắn Huân chương Độc lập hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của LĐLĐ TP. Ảnh: Công Hùng |
Bước sang thời kỳ xây dựng đất nước và đổi mới, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo thành động lực cho những thành tựu chung. Các phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Xứng danh anh bộ đội cụ Hồ”… đã thực sự trở thành nơi biểu dương lực lượng, ý chí, quyết tâm và hành động của mọi tầng lớp Nhân dân.
Cùng với đó, hiện nay, Nhân dân cả nước cũng đang ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương đều có các phong trào thi đua đặc thù, góp phần giải quyết những nhiệm vụ cụ thể. Các quy định liên quan đến công tác thi đua khen thưởng cũng ngày càng hoàn thiện hơn. Đặc biệt, từ khi Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003) đến nay, công tác thi đua, khen thưởng đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, hình thức, nội dung thi đua, luôn hướng đến sự thiết thực… Qua các phong trào thi đua đã có hàng vạn công trình được hoàn thành; hàng vạn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn.
Thúc đẩy sáng tạo Nhìn từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” mang lại nhiều lợi ích, nên được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến hết năm 2017, cả nước đã có 43 huyện và gần 2.900 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Bình, Vĩnh Phúc...
Hay từ phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đã hướng vào tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Rất nhiều công trình sản phẩm, sáng kiến kinh nghiệm được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại Hà Nội phong trào "Lao động giỏi" phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi Thủ đô" đã khẳng định tác dụng to lớn. Thông qua các hình thức tôn vinh “Công nhân giỏi” có thành tích xuất sắc ở cấp mình, đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình, say mê sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của người lao động. Qua 11 năm đã có 125.358 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” cho gần 1.000 cá nhân, trong đó có trên 650 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện phong trào xây dựng người cán bộ, công chức: “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” cũng đang mang tính “thời sự” cao. Qua đó, không chỉ góp sức vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng sức cạnh tranh… mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ các phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Bởi chỉ có thực hiện tốt, hiệu quả thực chất, thi đua mới có thể tạo nên động lực trong lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng T.Ư, vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, không chỉ tôn vinh những cá nhân tốt, cách làm hay mà còn là một thiết chế tinh thần quan trọng, góp phần cùng thiết chế pháp luật để quản lý xã hội. Do đó, công tác thi đua, khen thưởng phải đóng góp vào sự chuyển mình của đất nước, để đưa đất nước tiến lên...