Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi hành án kinh tế, tham nhũng: Nhiều tài sản bị tẩu tán

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua rà soát của cơ quan thi hành án dân sự (THADS), khi thi hành những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán…

Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết, Hà Nội là địa bàn có nhiều vụ việc nhạy cảm, nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nên ảnh hưởng tới thời gian và chất lượng THA. Trong 6 tháng (từ 1/10/2018 – 31/3/2019), do lượng tiền tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều vụ án kinh tế tham nhũng giá trị lớn nhưng tài sản giá trị rất thấp nên chưa thể xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, lãnh đạo một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; công tác phối hợp nhiều điểm chưa đạt yêu cầu, đặc biệt trong cưỡng chế cần huy động lực lượng tại các quận nội thành.
 9 bị cáo trong vụ Vinashin tại phiên sơ thẩm. Ảnh: TTXVN
“Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao, Cục THADS Hà Nội tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tổ chức THA, trong đó chú ý những vụ án lớn, phức tạp, án tín dụng ngân hàng; tăng cường kiểm tra đột xuất. Đồng thời, gắn trách nhiệm cá nhân của từng chấp hành viên, trách nhiệm của chi cục trưởng, trưởng phòng và của lãnh đạo Cục về kết quả đôn đốc, tổ chức THA; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và sự vào cuộc của chính quyền cơ sở” - ông Lê Xuân Hồng cho biết thêm.
Theo Tổng cục THADS, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi thi hành những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, mặc dù giá trị phải THA lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ so với nghĩa vụ phải THA như vụ Vinashin, vụ Huỳnh Thị Huyền Như.
Cụ thể, vụ Vinashin nghĩa vụ còn phải thi hành án là hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi tài sản còn lại chỉ là 2 bất động sản có giá trị thấp; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tổng nghĩa vụ phải thi hành án là hơn 13.000 tỷ đồng giai đoạn 1 và hơn 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2, trong khi ước tính giá trị tài sản kê biên chỉ được khoảng trên 500 tỷ đồng.

Từ ngày 1/10/2018 – 31/3/2019, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 243.000 việc tương ứng với trên 18.000 tỷ đồng, tăng trên 1.000 việc tương ứng với trên 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, về việc đạt tỷ lệ 53,08%; về tiền đạt tỷ lệ 16,63%.

Ngoài ra, có những vụ việc người phải THA đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản để THA, như vụ Phạm Thị Bích Lương, vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Cùng đó, có những vụ tài sản kê biên có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình xử lý, như vụ Phạm Công Danh…
Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi cho biết, Tổng cục đặt mục tiêu tập trung thi hành, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, trình tự, thủ tục...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác THA, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã yêu cầu hệ thống THADS cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý việc, vụ án tham nhũng. Cơ quan THADS địa phương cần làm tốt công tác phân loại án, kiểm tra THA tại các Chi cục, làm rõ nguyên nhân không THA được, nâng cao chất lượng tiếp công dân. Đồng thời mong muốn TAND các cấp phối hợp với cơ quan THADS để giải thích bản án kịp thời, phối hợp ngay từ đầu trong các vụ án lớn.