Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Thị Nở” Phạm Xuân Nguyên lần đầu ra sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những cây viết phê bình sắc sảo của làng văn nhưng sau 30 năm làm nghề, cái tên Phạm Xuân Nguyên mới được nằm ở vị trí tác giả sách. Cuốn phê bình đầu tay của "gã đầu bạc" có tên "Nhà văn như Thị Nở" vừa được "trình làng", tại Hà Nội.

Kinhtedothi - Là một trong những cây viết phê bình sắc sảo của làng văn nhưng sau 30 năm làm nghề, cái tên Phạm Xuân Nguyên mới được nằm ở vị trí tác giả sách. Cuốn phê bình đầu tay của "gã đầu bạc" có tên "Nhà văn như Thị Nở" vừa được "trình làng", tại Hà Nội.

 
“Thị Nở” Phạm Xuân Nguyên lần đầu ra sách - Ảnh 1
Ngay từ những lời mở đầu buổi tọa đàm, tác giả cũng chính là diễn giả của buổi trò chuyện đã "tự thú" rằng: "Lý do ông chậm ra sách là vì lười gom bài đã viết và tự nhận thấy những cái mình viết ra chưa có một hệ thống, hình hài rõ nét". Tác giả trần tình, mùa World Cup trước, ông đã hứa với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam sẽ tập hợp các tác phẩm của mình để in sách. Thế rồi, sau nhiều lần hẹn, cuối cùng cuốn sách đầu tay của Phạm Xuân Nguyên cũng đã ra mắt bạn đọc.

"Nhà văn như Thị Nở" chia làm hai phần, tập hợp 59 bài viết về 51 chân dung văn nghệ sĩ, trí thức nổi bật của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 tới nay, phụ đề là "Nguyên văn 1" (những bài viết phê bình của Phạm Xuân Nguyên). Riêng bài viết về nhân vật Thị Nở của Nam Cao, ông đặt đầu tiên như một lời đề từ, nhằm nêu cao một quan niệm về người văn, nghề văn. "Gã phê bình" lý giải: Cái tên "Nhà văn như Thị Nở" có nghĩa là nhà văn được ví như Thị Nở; nhà văn cần và "hãy" như Thị Nở. Đó là cách chơi chữ, chơi ý tưởng để nói lên thông điệp, văn học cần chạm tới thiện lương của con người, đánh thức những xúc cảm nhân văn ở mỗi người đọc. Như việc Thị Nở đã "cứu rỗi linh hồn" cho Chí Phèo mà Nam Cao từng xây dựng. Hẳn vì thế mà tấm ảnh "Gã đầu bạc" lấy minh họa bìa sách nhìn có chút "dở hơi". Dường như, ông tự làm xấu mình, để mong được là một Thị Nở trong làng văn, với bát cháo hành, khơi dậy, hướng người đọc đến điều thiện.

Đọc "Nhà văn như Thị Nở", độc giả thấy được không khí văn chương suốt thời kỳ dài của văn học hiện đại Việt Nam, bao gồm cả sáng tác, dịch thuật, phê bình, với những tên tuổi hàng đầu. Viết về những cây bút đã khuất, ông định giá một cách công bằng, tái hiện gần như đủ đầy những gương mặt lừng danh: Thế Lữ, Hải Triều, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán... Còn ở phần "Người nay", viết về những cây bút đương thời chưa thật đầy đủ, toàn diện, thiếu vắng Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp… Hẳn là "gã" để dành những bài viết ấy cho cuốn "Nguyên văn 2".