KTĐT - Phố Wall khởi đầu phiên đầy hứng khởi nhờ kết quả kinh doanh quý II tốt đẹp của các doanh nghiệp ngành sản xuất hàng điện tử.
Giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch do áp lực chốt lời, thị trường chứng khoán Mỹ thất vọng với một số báo kinh tế trong đó có chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 7.
Phố Wall khởi đầu phiên đầy hứng khởi nhờ kết quả kinh doanh quý II tốt đẹp của các doanh nghiệp ngành sản xuất hàng điện tử. Sau đó, áp lực bán chốt lời dâng cao trên các bảng điện tử sau khi Conference Board công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ sụt giảm mạnh từ mức 54,3 điểm trong tháng 6 xuống 50,4 điểm.
Tuy nhiên, thị trường diễn biến lình xình và không giảm sâu trước lực cầu chờ giải ngân vững vàng, đặc biệt sau thời điểm các chỉ số vượt ngưỡng hỗ trợ bình quân 200 ngày để xác lập kênh xu hướng tăng. Cổ phiếu ngân hàng lên tiếng vào cuối ngày giữa những phỏng đoán kết quả lợi nhuận quý II sẽ công bố vào tuần tới đầy lạc quan. Chỉ số Dow Jones Industrial bất ngờ bật xanh 12,26 điểm (0,1%), leo lên ngưỡng 10.537,69 điểm và ghi nhận phiên tăng điểm ngày thứ 5 liên tiếp. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 co hẹp đà giảm về 0,1%, xuống 1.113,84 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa tại 2.288,25 điểm, âm 0,4%. Trên thị trường New York, cứ 3 mã cổ phiếu giảm thì có 2 mã tăng.
Chứng khoán châu Âu khởi sắc ngày thứ sáu liên tiếp. Thị trường phản ứng tích cực trước kết quả làm ăn đầy lạc quan của các ngân hàng. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 tăng 0,4%, leo lên ngưỡng 258,11 điểm. Theo đó, Stoxx 600 co hẹp biên độ điều chỉnh trong năm 2010 xuống 5,2%. Sắc xanh tiếp tục là gam màu chủ đạo khi có tới 15 hàn thử biểu đóng cửa với số điểm dương. Chứng khoán Đức và Anh lần lượt tăng 0,2% và 0,3%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bật 0,8%.
Hai “ông lớn” trong ngành ngân hàng của Đức và Thụy Sỹ công bố lợi nhuận tốt vượt kỳ vọng bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Deustche Bank AG, ngân hàng lớn nhất của Đức, công bố lợi nhuận quý II tăng 6,4%, lợi nhuận ròng tăng lên mức 1,16 tỷ euro, tương đương 1,51 tỷ đôla, từ mức 1,09 tỷ euro cùng kỳ năm trước, và vượt xa những dự báo thua lỗ ban đầu của các chuyên gia. Trong khi đó, UBS AG, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sỹ cũng công bố quý làm ăn có lãi thứ ba liên tiếp. Lợi nhuận ròng của UBS đạt 2,01 tỷ franc tương đương 1,91 tỷ đôla. Cùng kỳ năm trước, UBS AG công bố lỗ 1,4 tỷ franc.
Giá vàng giao kỳ hạn tháng 8 lao dốc 25,2 đôla (2,1%), xuống ngưỡng thấp nhất trong 11 tuần tại 1.158 đôla mỗi ounce. Đây là phiên giảm theo ngày mạnh nhất của vàng kể từ đầu tháng 7. Giới đầu tư song hành cùng các quỹ đầu tư tín thác vàng ào ạt bán ra giữa những quan ngại kênh xu hướng tăng của mặt kim loại quý đã chấm dứt. Hỗm qua, SPDR Gold Trust – định chế đầu tư vàng lớn nhất thế giới cho biết đã bán ròng 18,7 tấn vàng kể từ đầu tháng 7.
Theo nhận định của CitiFX – Bộ phận chuyên trách thị trường ngoại hối và hàng hóa của ngân hàng Citigroup, thì sự suy yếu trên biểu đồ phân tích kỹ thuật cho rằng vàng sẽ sụt giảm sâu hơn nữa, điều này có thể đẩy giá vàng về dưới vùng 1.000 đôla một ounce. Nếu trong tuần này, vàng đóng cửa dưới vùng hỗ trợ 2 năm tại 1.176 đôla mỗi ounce thì một đợt sóng bán tháo vàng sẽ diễn ra trên khắp thế giới, CitiFX nói thêm.
Giá dầu cũng sụt giảm với biên độ mạnh nhất trong 3 tuần. Đóng cửa phiên trên sàn giao dịch hàng hóa NYMEX, giá vàng đen rớt 1,48 đôla (1,9%), xuống 77,5 đôla mỗi thùng. Niềm tin người tiêu dùng Mỹ xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng đã dấy lên những quan ngại về sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi mà chi tiêu tiêu dùng của người dân đóng góp tới hơn 2/3 các hoạt động kinh tế.
Hôm qua là ngày giao dịch bình lặng trên thị trường tiền tệ quốc tế. Hầu hết các đồng tiền chủ chốt thế giới không biến động nhiều do giới đầu cơ chọn giải pháp đứng ngoài thị trường trong giai đoạn giá các loại hàng hóa như vàng và dầu thô chưa xác lập xu thế rõ ràng. Tỷ lệ hoán đổi giữa euro và đôla được giữ quanh mức 1,2966 đôla ăn một euro.