Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường phải minh bạch

Khánh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong quý III/2023.

Tính đến ngày 3/10 đã có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng.

Theo đánh giá, thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó khiến các DN chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian, thay vì mua lại trái phiếu đến hạn. Riêng tháng 9, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê các DN chỉ mua lại hơn 9.200 tỷ đồng trái phiếu, chưa bằng một phần tư so với tổng giá trị trái phiếu DN đến hạn.

Con số này cũng nằm trong nhóm thấp nhất kể từ năm 2022 và giảm một nửa so với cùng kỳ. Đa phần điều chỉnh ngày đáo hạn thêm hai năm, dời áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025 - 2026. Nới kỳ hạn trái phiếu trở thành động thái chung của nhiều DN trong thời gian qua, nhất là nhóm bất động sản.

Trước đó, nhằm gỡ khó cho DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 5/3/2023), trong đó ghi rõ trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Với Nghị định 08, các DN được giãn các khoản nợ vay trái phiếu. Song phải nhấn mạnh rằng quy định chỉ là giãn kỳ hạn của trái phiếu, chính vì thế DN nên tìm hiểu phương án kinh doanh. Như với DN bất động sản có thể nên bán tài sản, thay vì giữ ở mức giá cao. Có thể giai đoạn này lỗ nhưng giai đoạn sau kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.

Thực tế, cũng theo số liệu của VNDirect, trong quý III/2023 có 88 đợt phát hành trái phiếu DN trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý II/2023, và tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng giá trị phát hành. Và 8 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 11.447 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng giá trị phát hành. Hoạt động phát hành trái phiếu DN riêng lẻ có sự phục hồi tích cực trong quý III/2023, khi cao gấp gần 2,7 lần so với quý II/2023 và tăng 36,2% so với cùng kỳ.

Thực tế, để lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, mấu chốt là thị trường phải minh bạch. Do đó, bên cạnh sự chủ động của các nhà phát hành, cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm soát bước đầu thông qua những quy định, luật định, chế tài xử phạt thích đáng.

Trong khi đó, đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì DN phát hành có trách nhiệm đàm phán để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.

Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì DN phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận). Đây là những yếu tố quan trọng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tăng tính minh bạch của thị trường.