Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường Rằm tháng Giêng: Sức mua tăng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng trong tháng đầu tiên của năm mới. Vì thế, sát ngày này, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh.

Thực phẩm dồi dào, giá dần hạ nhiệt

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Kim Liên (quận Đống Đa), Thành Công (quận Ba Đình)…, giá cả mặt hàng tươi sống khá ổn định.

Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm cho biết, mặc dù nhu cầu mua gà cúng Rằm tháng Giêng tăng cao nhưng giá bán đã giảm nhẹ so với ngày 30 Tết, hiện ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng thịt lợn như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức từ 130.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp… có giá từ 240.000 - 330.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Trung Tự (quận Đống Đa). Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Trung Tự (quận Đống Đa). Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống đều giữ giá bán như ngày thường, không xảy ra tình trạng tăng giá “chặt chém” khách hàng.

Chị Thu Thủy, kinh doanh thủy sản tại chợ Thành Công (quận Ba Đình) chia sẻ, hiện cá rô phi đơn tính có giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, cá trắm cỏ cắt khúc 75.000 - 80.000 đồng/kg, cá trắm đen 150.000 đồng/kg cá chép giòn 200.000 đồng/kg, cá lăng 130.000 đồng/kg, cá quả 120.000đồng/kg. Riêng mặt hàng tôm tưới còn “hạ nhiệt” so với thời điểm trước và ngay sau Tết. Cụ thể với mặt hàng tôm tươi, trước Tết có thời điểm lên tới 450.000 – 500.000 đồng/kg, thì nay giá dao động từ 350.000 đồng – 400.000 đồng/kg tùy loại. 

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống mới ổn định giá mà mặt hàng rau, hoa quả cũng trong tình trạng tương tự mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Kim Liên cho biết, nhìn chung hoa quả phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp Rằm tháng Giêng giá giảm nhiều so với thời điểm trước Tết, sức mua của người dân cũng không tăng đột biến so với năm trước. Hiện thanh long có giá 45.000 - 50.000 đồng/kg; bưởi 25.000 - 30.000 đồng/quả; cam Canh, cam Sài Gòn 50.000 - 60.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 55.000 - 80.000 đồng/kg; roi đỏ ở mức 70.000 đồng/kg; táo 100.000 - 120.000 đồng/kg.

Thời điểm này, tuy giá rau xanh đã dần “giảm nhiệt”, song vẫn đứng ở mức cao, hiện cải chíp, bắp cải 15.000/kg, hoa lơ xanh 10.000 đồng/cái, hoa lơ trắng 15.000 đồng/cái, rau cần 10.000 đồng/mớ, su hào 10.000 đồng/củ.

Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, các năm gần đây xu hướng người dân chuyển sang thích đồ ăn chay để thanh tịnh cơ thể, giúp mạnh khỏe hơn, nên những ngày này mặt hàng thực phẩm chay phục vụ cúng lễ ngày Rằm tháng Giêng bắt đầu sôi động.

Khảo sát một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Fuji Mart, Co.op Mart, Vinmart, Big C..., những siêu này đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan với giá khá rẻ. Cụ thể, nem chay dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; cá, tôm chay dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/kg, bánh chưng giá từ 30.000- 40.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, chả cốm 30.000 đồng/cái, giò lụa, giò nấm, giò thủ, chả quế có giá từ 75.000 - 150.000 đồng/kg, chả tôm chay 55.000 đồng/hộp, chả gà giá 80.000 đồng/con 450 gram.

Dịch vụ đặt cỗ lên ngôi

Dịch vụ đặt nấu cỗ và giao tại nhà... đang trở nên sôi động trước ngày Rằm tháng Giêng.

Người tiêu dùng mua hoa quả cúng Rằm tháng Giêng tại chợ truyền thống.Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hoa quả cúng Rằm tháng Giêng tại chợ truyền thống.Ảnh: Hoài Nam
 

Thị trường trước trong và sau Tết ổn định là do ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì vậy, sau Tết, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên không xẩy ra hiện tượng tăng giá đột biến.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

 

Vừa phải đi làm lẫn quán xuyến việc nội trợ trong nhà nên chị Hương ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) thường xuyên đặt mâm cúng rằm, lễ Tết qua mạng.  Trong mùa Rằm tháng Giêng năm nay, chị chọn đặt cỗ của một nhà hàng quen, đến sáng ngày Rằm sẽ có nhân viên mang tới tận nhà.

“Mâm cỗ cúng Rằm chỉ 1,2 triệu đồng nhưng cũng đầy đủ 9 món: Gà hấp lá chanh, cá diêu hồng nướng, bò sốt tiêu đen, thịt lợn chiên, canh mọc nấm, nộm hoa quả, xôi ngũ sắc" - chị Hương cho hay.

Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng đắt khách. Ảnh: Hoài Nam
Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng đắt khách. Ảnh: Hoài Nam

Ưu điểm của dịch vụ giao cỗ tại nhà là vừa ngon vừa tiện lợi, lại đầy đủ, phù hợp với gia đình bận rộn hoặc chị em phụ nữ còn chưa thông thạo việc làm mâm cỗ cúng. Vì thế, thời gian này các quán ăn hay đầu bếp cung cấp dịch vụ đặt cỗ cúng đã sớm lên thực đơn trên những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... để khách lựa chọn và đặt hàng.

Cụ thể, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng có mức giá từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/mâm, khách chỉ cần gọi điện đặt hàng hoặc nhắn tin qua các kênh online, đơn vị đặt cỗ sẽ giao hàng tận nơi.

Chị Nguyễn Ngọc (Trung Hòa, quận Cầu Giấy) - một tài khoản nhận nấu cỗ cúng trên Facebook cho biết, dịp Rằm tháng Giêng năm nay lượng khách đặt đơn giao hàng tăng vọt. “Hiện cửa hàng nhận được hơn 400 đơn hàng, tăng gấp 3 lần ngày thường. So với năm ngoái, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm nay hầu như không tăng giá” - chị Ngọc chia sẻ.

Không chỉ cúng cỗ mặn, những mâm cỗ đồ chay cúng Rằm cũng được nhiều người ưa chuộng. Chủ cửa hàng đồ ăn chay Cồ Hồng trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa) thông tin, mâm cỗ chay với 5 - 7 món cơ bản như: Giò, chả chay, canh nấm và các món chiên, luộc, xào giá dao động 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu đặt các món cao cấp như tôm chay nướng, bò chay xào lúc lắc, sườn chay chua ngọt, cá thu chay sốt, nộm cung đình… thì có mức giá dao động từ 1,5-2 triệu đồng/mâm.

“Đến nay, chúng tôi đã nhận hơn 30 đơn đặt mâm cỗ của khách, dự báo trong những ngày tới, lượng khách đặt sẽ nhiều hơn” - chủ cửa hàng Cồ Hồng chia sẻ. Với lượng đơn đặt hàng cao gấp nhiều lần so với ngày bình thường, những ngày tới, các cơ sở phải huy động tối đa nhân lực, làm việc cả ban đêm để kịp trả hàng bởi hầu hết đơn cỗ cúng Rằm tập trung trong 3 ngày, 13, 14 và 15/1 âm lịch.