Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị ngành Công Thương 5 tỉnh, thành phố lần thứ VI, năm 2023 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 2/10. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã đến dự và phát biểu tại hội nghị.
Xuất khẩu tăng trưởng
Thông tin về hoạt động xuất khẩu của 5 địa phương gồm (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) cho thấy, giai đoạn 2021 - 2022 tổng kim ngạch trao đổi thương mại 2 chiều của 5 TP đạt 449,015 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 189,539 tỷ USD. Riêng 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của 5 TP chiếm tỷ trọng gần 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Kết quả này cho thấy, phần lớn dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam là với các đối tác FTA là một trong các động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của 5 tỉnh thành nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thực tế, các FTA thế hệ mới đã tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đối với FTA Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong 2 năm 2021- 2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 TP với các nước CPTPP đạt 79,751 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,071 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 53,680 tỷ USD.
Cũng trong thời gian này, thông qua Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp 5 tỉnh, thành đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 14,179 tỷ USD tới các các nước EU. Các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tận dụng hiệu quả mà FTA mang lại.
Đánh giá những lợi ích mà các FTA mang lại, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ, các FTA đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực, khi nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 và các xung đột kinh tế- chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới. “Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, có gần 41% đã từng hưởng lợi ích về ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ Hiệp định EVFTA”- bà Lan nêu ví dụ.
Thiếu thông tin, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ
Dù mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tuy nhiên cũng còn nhiều cơ hội từ các FTA bị bỏ lỡ, doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được tối đa lợi ích từ các FTA. Nguyên nhân là do thiếu thông tin về những quy định của các FTA.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, dịch Covid-19 và xung đột kinh tế- chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới đã khiến nhiều quốc gia ký kết FTA đã thay đổi quy định theo hướng bảo hộ sản phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu, nhưng những thông tin này chưa đến được với doanh nghiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, dù các địa phương đều có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các quy định của mới của FTA, nhưng những hỗ trợ này mới chỉ áp dụng chung cho tất cả các ngành, chưa đi sâu vào cụ thể vào những ngành nghề mang tính chiến lược mà chúng ta cần tận dụng FTA.
Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Búi Tá Hoàng Vũ phản ánh, các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, cùng các cam kết đã tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật Việt Nam. Khi những cam kết này có hiệu lực, Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật quy tắc xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, mua sắm công, lao động... Song vẫn có một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm dẫn tới các doanh nghiệp bị thiệt thòi, dù được hồi tố.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến các FTA, tự coi đây không phải là "sân chơi" dành cho mình, nên không tìm hiểu và rất mơ hồ về FTA. “Mặc dù đã tổ chức các lớp tập huấn, thông tin về các quy định cuả FTA nhưng đa số chủ doanh nghiệp cử các chuyên viên đi nghe, còn những người có quyền quyết định trong doanh nghiệp lại không đến. Đây là một nguyên nhân khiến tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA còn thấp”- ông Vũ dẫn chứng.
Để khắc phục những bất cập này, đại diện Sở Công Thương 5 tỉnh, thành đề xuất thời gian tới Bộ Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin về các FTA và thị trường các nước đã ký kết FTA. Trong đó, tập trung xây dựng các nội dung mang tính chuyên đề đáp ứng các điều kiện hạn chế các rào cản phi thuế quan từ các nước. Phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức hoạt động kết nối, xúc tiến qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình xuất khẩu nhất là thông tin về việc các nước ký kết FTA điều chỉnh chính sách thương mại, đầu tư, tiền tệ… Qua đó, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nắm bắt thông tin mới về thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu, các cơ hội hợp tác, tiếp cận thị trường.
Đồng tình với những đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị, Bộ Công Thương tăng cường tập huấn, giúp các địa phương hiểu kỹ, sâu, hiểu đầy đủ về các FTA, cách thức xử lý các tình huống gặp phải. “Hiện, còn nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực công thương còn chưa đầy đủ, thống nhất, mỗi địa phương đang hiểu và làm theo một cách thức khác nhau. Do đó, chúng ta cần trao đổi để cùng thống nhất cách thức thực hiện thông suốt, từ lãnh đạo, quản lý cho tới những người làm trực tiếp trong lĩnh vực Công Thương”- Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.