70 năm giải phóng Thủ đô

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Kỳ vọng cái tâm trong sáng của người làm công tác cán bộ

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, công tác cán bộ không được như mong muốn có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên xuất phát từ chính người làm công tác cán bộ. Nếu người làm công tác cán bộ trong sáng, công minh, thì 90% những nội dung được đề cập đến trong các chỉ đạo, nghị quyết sẽ thành thực tiễn” - đó là vấn đề được Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Đúng quy trình nhưng không đúng người

Nhìn vào những con số cán bộ vi phạm bị xử lý trong thời gian qua, nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao đã có nhiều quy định khắt khe, nhưng việc chọn cán bộ vẫn để lọt vào bộ máy những người tham nhũng, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Đó là một câu hỏi rất sát thực tế, nhưng trước hết ta phải nói rằng, tính sơ bộ, Đảng đã có tới 40 Nghị quyết về công tác cán bộ, trong đó có đến vài trăm giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên được đề cập đến. Thực tiễn, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, công tác lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng ngày càng chặt chẽ.
 Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương
Đặc biệt, đến Đại hội XII của Đảng, hơn bao giờ hết công tác cán bộ càng trở nên cấp bách. Ban Chấp hành (BCH) T.Ư và trực tiếp là Bộ Chính trị, trong đó có vai trò quyết định của đồng chí Tổng Bí thư, với quyết tâm chính trị cao đã có những chỉ đạo, nghị quyết mới để siết chặt hơn công tác cán bộ, ngăn ngừa, xử lý các sai phạm.
Điều này đã chứng minh bằng những con số cụ thể. Trong 4 năm, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý bị xử lý, thậm chí xử lý hình sự, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc chống tiêu cực liên quan tới cán bộ.
Song, cũng chính từ thực tiễn ấy cho thấy công tác cán bộ trong một thời gian dài đã để lọt không ít kẻ cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực... vào trong bộ máy. Tại sao? Trước hết phải thấy rằng, cụm từ "lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ” không còn quá xa lạ với nhiều người. Bởi thực tế có lúc, có nơi, việc giới thiệu, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ còn tình trạng đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc.
Còn tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, "cánh hẩu” không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào vị trí không xứng đáng, gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí có tình trạng mượn danh tập thể để hợp thức hóa quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân hay của một nhóm người, làm cho những quyết định về công tác cán bộ thiếu dân chủ, công tâm, khách quan.
Còn một nguyên nhân nữa, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói một câu rất hay, “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Xung quanh câu chuyện nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao có vi phạm vừa bị xử lý kỷ luật cho thấy, hệ thống kiểm tra, giám sát quyền lực còn lỏng lẻo và sơ hở.
Việc cán bộ vi phạm trong thời gian dài, nhưng cơ quan có thẩm quyền không phát hiện ra, thậm chí người đó vẫn được đề bạt lên chức vụ cao hơn. Chúng ta giao quyền lực cho cán bộ 100% nhưng giám sát quyền lực chỉ được 10% thì chắc chắn quyền lực sẽ bị tha hóa. Đó là nguyên tắc có tính khoa học.
Ông có thể phân tích sâu hơn về việc giám sát quyền lực, tránh tình trạng tha hóa như đã đề cập?
- Hiện Bộ Chính trị đã có Quy định về việc “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những hạn chế trong công việc "gốc" của Đảng, những nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ. Quy định thì đã rõ, nhưng việc thực hiện Quy định như thế nào rất cần được các cấp, các ngành chức năng làm tốt hơn nữa để tạo niềm tin trong Nhân dân.
Bởi thực tiễn cho thấy, việc chạy chức, chạy quyền toàn "vào ban đêm như bóng ma" chứ không như chiếc ô tô đi ban ngày mà cảnh sát có thể theo dõi được. Khoa học ngày càng hiện đại nhưng chưa sản xuất ra cái máy nào đo thử được việc chạy chức, chạy quyền hay cơ hội... Bởi thế, khâu lựa chọn nhân sự là vô cùng quan trọng, song tìm được những người tài, đức rồi thì tiếp đến phải giám sát con người, giám sát quyền lực. Việc này rất cần thiết và phải vô cùng chặt chẽ.
Như tôi đã nói, cần nhớ nguyên lý: Nơi nào mà quyền lực không được giám sát thì nơi đó sớm muộn sẽ bị tha hóa. Do đó, phải ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Khi cán bộ đã tha hóa, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Đây cũng là bài học sâu sắc cần được rút ra từ các vụ việc cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý vừa qua.
Người làm công tác cán bộ phải trong sáng
Hiện công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là công tác nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng đang rất được dư luận quan tâm. Cá nhân ông thấy việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội lần này có những điểm mới nào?
- Để chuẩn bị cho Đại hội XIII, BCH T.Ư, Bộ Chính trị và trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt đặt công tác nhân sự lên hàng đầu, với những yêu cầu cao hơn. Tại hội nghị cán bộ toàn quốc và gần đây là Hội nghị lần thứ 12 BCH T.Ư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dành phần lớn bài phát biểu của mình để nói về công tác nhân sự; trong đó có đề cập đến những giải pháp quan trọng như công khai, minh bạch, dựa vào Nhân dân để lấy tín nhiệm, đánh giá cán bộ… Tôi cho đây là điều mới so với những kỳ Đại hội trước và phù hợp thực tiễn.
Điểm mới tiếp theo là yêu cầu về quy trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ bắt đầu thực hiện rõ hơn, đầy đủ hơn. Người dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng một cách trực tiếp hơn.
Những chỉ đạo của BCH T.Ư, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là hoàn toàn đúng đắn và tạo được sự đồng thuận trong xã hội, trong Đảng.
Nhưng để biến những tư tưởng chỉ đạo thành thực tiễn, theo tôi phải có hai điều kiện tiên quyết, giống như tàu hỏa chạy trên đường ray. Thứ nhất là đội ngũ giúp Đảng về công tác cán bộ phải là những người mẫu mực, công tâm, không gợn lên chút tư lợi gì cả. Thứ hai là thường vụ cấp ủy và đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy cũng vậy, phải có trí tuệ, trong sáng và công minh.
Tôi cho rằng, vấn đề nhân sự phải bắt đầu từ đội ngũ này, nếu trong sáng, công minh thì 90% đạt yêu cầu. Cá nhân tôi cũng kỳ vọng vào cái tâm trong sáng của những người làm công tác cán bộ.
Cùng với đó, lần này có một vấn đề nữa cũng rất mới và được chú ý, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh đến việc phải làm rõ và quy rõ trách nhiệm của chính những người tiến cử. Nếu người được tiến cử không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm thì người tiến cử phải chịu trách nhiệm.
Vừa qua, có rất nhiều cán bộ sai phạm, nhưng lại không có quy định nào để gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người tiến cử. Theo tôi, bên cạnh những tuyên bố chính thức của Đảng, cần cụ thể hóa ra thành cơ chế, quy định cụ thể để buộc trách nhiệm của mọi người vào đây. Ví dụ, tất cả cuộc họp về công tác cán bộ phải có hồ sơ lưu, ai phát biểu gì, nhận định gì đều phải lưu lại, sau này còn có cơ sở để xác định trách nhiệm, để giám sát, kiểm tra.
Vậy với những cách làm kiên quyết, với chỉ đạo đến nơi đến chốn, theo ông, những tiêu cực trong công tác cán bộ có được đẩy lùi, để thực sự lựa chọn được người có tài, có đức?
- Tôi có sự tin tưởng cao vào việc lựa chọn nhân sự khóa mới khi những tư tưởng chỉ đạo đã quá rõ ràng. Cùng như mọi người dân, tôi rất mong chờ Đại hội Đảng bộ các cấp đem đến một bầu không khí mới, tác phong làm việc mới để nâng cao uy tín của Đảng, lựa chọn được đội ngũ cán bộ chất lượng.
Nhưng để lựa chọn được người tài, đức thì công tác nhân sự của Đảng phải dân chủ và dân chủ từ chi bộ trở lên, không được áp đặt. Để cho đảng viên thảo luận, công khai, dân chủ. Theo Điều lệ Đảng thì Đảng phải nghe dân. Đồng thời, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân cũng cần tham gia vào quá trình giám sát, phát hiện, chỉ rõ những cơ quan nào, cá nhân, tổ chức nào còn "chạy chức, chạy quyền”, còn tiêu cực và phải được vạch ra ánh sáng, tránh để lọt vào bộ máy những cán bộ tham nhũng, làm trái pháp luật như thời gian qua…
Xin cảm ơn ông!
Như tôi đã nói, cần nhớ nguyên lý: Nơi nào mà quyền lực không được giám sát thì nơi đó sớm muộn sẽ bị tha hóa. Do đó, phải ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Khi cán bộ đã tha hóa, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Đây cũng là bài học sâu sắc cần được rút ra từ các vụ việc cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý vừa qua.