Thiếu vaccine Covid-19, Đông Nam Á lại rơi vào cuộc đua tiêm mũi 3

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại một số điểm nóng Covid-19 của Đông Nam Á, xuất hiện tình trạng nhiều người đã tiêm 2 mũi vaccine đang tìm cách để được tiêm mũi tăng cường, ngay cả khi hầu hết mọi người trong cộng đồng vẫn chưa được tiêm chủng.

Xếp hàng tại một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Manila, Philippines. Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, xu hướng "săn tìm" mũi tiêm thứ 3 đang ngày càng tăng ở các nước như Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này không chỉ phá hoại chiến lược tiêm chủng của các quốc gia đang đấu tranh với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vào thời điểm các nước đang vật lộn với tình trạng khan hiếm vaccine.
Tại Indonesia - nơi Bộ Y tế tuyên bố rằng mũi vaccine Covid-19 tăng cường hiện chỉ dành cho nhân viên y tế - một số thành viên của giới chính trị, bao gồm thống đốc của một vùng, đã vô tình tiết lộ trên truyền hình về việc được tiêm mũi 3. Tình huống đã được phát sóng trong một buổi truyền hình trực tiếp trên kênh chính thức của Ban Thư ký Phủ Tổng thống. Video hiện đã bị xóa.
Còn tại Thái Lan, giới chức nước này đang điều tra một giám đốc và một bác sĩ tại 2 bệnh viện bị cáo buộc đã cho các thành viên trong gia đình và phụ tá của họ được tiêm mũi tăng cường là vaccine Pfizer - vốn là loại vaccine Covid-19 đang được chỉ định ưu tiên cho phụ nữ mang thai và nhân viên y tế tại Thái Lan.
Không chỉ quyền lực hay các mối quan hệ, việc chính quyền vội vàng phân phối các mũi tiêm tăng cường mà thiếu sự chuẩn bị cũng đang bị lợi dụng. Theo Bloomberg, ở Indonesia, các trường hợp tiêm "chui" mũi 3 đã được phát hiện trong chính cơ quan đăng ký của Chính phủ. Hay như tại Philippines, có trường hợp một người có thể đăng ký tiêm ở một TP với tư cách là cư dân và ở TP khác với tư cách là nhân viên công vụ, do không có cơ sở dữ liệu thống nhất.
Ngày càng nhiều tranh luận nổ ra trên toàn cầu xung quanh việc mũi tiêm vaccine Covid-19 tăng cường - đã được các hãng sản xuất chứng minh là giúp tăng khả năng bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2. Trong khi nhiều quốc gia như Israel và Mỹ đã bắt đầu hoặc lên kế hoạch tiêm mũi 3 cho người dân đủ điều kiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhìn chung vẫn kêu gọi các nước phát triển nên trì hoãn tiêm tăng cường để ưu tiên nguồn cung mũi 1 và 2 cho các quốc gia nghèo hơn.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vaccine Covid-19, việc tiêm bổ sung cho những người đã đủ 2 mũi là đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ với phần đông người đến nay vẫn chưa có một mũi tiêm nào. Philippines, Malaysia và Thái Lan đang chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày ở mức cao gần kỷ lục, trong khi số người chết ở Indonesia hiện thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tỷ lệ % dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 tại các quốc gia khu vực châu Á, tính đến ngày 1/9/2021. Nguồn: Our World in Data.
Voo Teck Chuan, Phó Giáo sư tại Trung tâm Đạo đức Y sinh thuộc ĐH Quốc gia Singapore, bình luận, việc đẩy những người khác xuống trong hàng dài đợi vaccine lúc này là phi đạo đức, và cũng khiến toàn bộ dân số có nguy cơ nhiễm virus cao hơn về lâu dài.
"Bạn chưa chắc đã an toàn hơn nếu tiêm mũi tăng cường", bác sĩ Voo nói, "nhưng nếu bạn để virus tiếp tục lây truyền và đột biến trong cộng đồng của mình, bạn sẽ phải chứng kiến nhiều ca bệnh cùng nhiều biến thể hơn. Lúc đó, không chắc lượng vaccine bạn phải tiêm bao nhiêu mới là đủ".
Leonila Dans, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Philippines, cảnh báo, các mũi tiêm tăng cường "chui" sẽ làm suy yếu khả năng giám sát dịch bệnh của chính phủ, bởi các nhà chức trách sẽ không biết chính xác có bao nhiêu người đã được tiêm chủng hoặc những thành phần nào trong xã hội đã tiếp xúc với vaccine, cản trở khả năng theo dõi sự lây truyền của họ.
"Việc này không chỉ gây hại cho một hay hai người, mà sẽ khiến toàn bộ cộng đồng gặp rủi ro", chuyên gia Leonila nói với Bloomberg.