Dân gian có câu “Thờ cha, kính mẹ chính là chân tu” và tháng 7 âm lịch không chỉ là quãng thời gian ôn nhắc mỗi con người kỹ hơn về đạo hiếu mà còn là dịp hướng về nguồn cội, tri ân các vị anh hùng đã có công lao to lớn với đất nước. Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Thượng tọa Thích Nhật Từ: Đừng nên giới hạn ngày báo hiếu vào ngày rằm tháng 7 Ngày 14, 15/7 âm lịch được coi là biểu tượng của ngày hiếu thảo. Trong ngày này, những người con hãy ngưng các công việc không cần thiết, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, làm phước, bố thí, cúng dường, chia sẻ nghiệp lành nhân danh cha mẹ, ông bà, tổ tiên để góp phần tạo dựng công đức cho bản thân và người quá vãng. Đó là những điều con cháu hiếu thảo nên làm trong mùa Vu lan. Về phía các bậc làm cha mẹ, để hồi đáp tình cảm của con cháu, cần phải ứng xử theo tinh thần Phật dạy, xứng đáng là người cha, người mẹ có trách nhiệm, là tấm gương sáng đối với con cháu. Đừng nên giới hạn ngày hiếu thảo vào rằm tháng 7, mùa hiếu thảo vào mùa Vu lan. Tất cả những người con hiếu thảo phải thể hiện lời nói hiếu, hành động hiếu, ứng xử hiếu mọi lúc, mọi nơi, làm được thế thì hạnh phúc trong cuộc đời sẽ dài lâu. Trụ trì chùa Hòa Lạc, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý - Đại đức Thích Minh Giác: Tỉnh táo với chùa online không chính thống Đi chùa trực tuyến không xấu như nhiều người vẫn tưởng. Hình thức mới này bắt kịp với xu hướng thời đại công nghệ 4.0 và phù hợp với giới trẻ. Nhưng bất kể sự việc nào cũng hiện hữu hai mặt. Mặt tốt là chùa trực tuyến giúp các Phật tử ở những nơi không thể xây dựng chùa chiền hoặc có quỹ thời gian eo hẹp có thể chiêm bái, tụng kinh, niệm Phật, thực hiện nghi thức tâm linh vào bất cứ thời gian nào. Còn mặt xấu xuất hiện khi chúng ta quá lạm dụng chùa trực tuyến, làm phai nhạt truyền thống tín ngưỡng và những ngôi chùa ngoài đời thật. Chưa kể, một số người còn dùng mạng xã hội để coi bói, giảng Phật pháp, rất dễ bị các phần tử xấu lợi dụng. Hiện nay, trên mạng đang tồn tại nhiều “ngôi chùa” không chính thống. Các Phật tử nên đến những ngôi “chùa online” chính thống (do T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp phép) để chiêm bái, học hỏi giáo lý nhà Phật, tránh để các phần tử phản động, những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng, rơi vào mê tín dị đoan, đánh mất niềm tin vào thực tại, đổ xô tìm kiếm ở một thế giới ảo siêu thực. Ngoài ra, nếu có thời gian, Phật tử vẫn nên tìm đến chùa thực, vừa để vãn cảnh thiền môn, hòa vào không gian thanh tịnh, vừa lắng nghe lời dạy của quý tăng ni để chiêm nghiệm sâu sắc hơn giáo lý nhà Phật. (Lan Ngọc ghi) |
Thờ cúng cha mẹ sao cho hợp đạo hiếu?
Kinhtedothi - Trong tâm thức người Việt Nam, tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là mùa Vu lan báo hiếu) và ngày lễ Vu lan (15 tháng 7 âm lịch) được xem là lễ trọng, thể hiện sâu sắc đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa Phật giáo của người Việt Nam.
Mùa Vu lan báo hiếu năm nay bắt đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương nên câu hỏi thường trực ở các Phật tử là cúng sao cho hợp đạo hiếu?
Nét đẹp văn hóa từ đại lễ
Như thường lệ, ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, các nhà chùa ở Hà Nội như: Chùa Quán sứ, chùa Quán thánh, chùa Hà, Phủ Tây Hồ… luôn chuẩn bị sẵn hương, đăng cho người dân đến chùa lễ Phật. Các chùa còn tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống, các buổi thuyết giảng Phật pháp, thu hút đông đảo bà con Phật tử tham gia.
Tại chùa Quán Sứ, lịch thông báo cử hành các khóa lễ trong tháng 7 âm lịch năm 2020 được tổ chức như sau: “Nghi lễ tháng 7 năm Canh Tý với nội dung “Lễ phả độ gia tiên và cầu siêu chân linh, anh hùng liệt sĩ, tử vong, đồng bào tử nạn, qua các thời kỳ” gồm 7 khóa lễ.
Mở đầu bằng khóa lễ “Thỉnh Chư Vong Linh” ngày 2/7 Âm lịch (20/8 Dương lịch) và kết thúc bằng khóa lễ “Chuộc khoán và Bán khoán” ngày 28/7 âm lịch (15/9 dương lịch). Qua đó các đại lễ, người dân được hiểu rõ hơn về nguồn gốc ngày lễ Vu lan và nét đẹp văn hóa từ đại lễ này.
Trong đời sống văn hóa của người Việt, Vu lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha, mẹ, ông bà, bày tỏ lòng biết ơn đến các bậc tổ tiên, các anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Vì vậy, không chỉ các Phật tử mà với nhiều người dân, Vu lan cũng được xem là mùa báo ân, báo hiếu với nhiều cách thể hiện khác nhau.
Có người đến chùa để tham gia lễ cầu siêu, phóng sinh, làm phúc… nhằm tích phước, cầu an, cầu may cho cha mẹ được tăng phúc thọ, hóa giải nghiệp chướng. Nhiều người lại chuẩn bị mâm lễ đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ đến những người đã khuất hay mua tặng cha, mẹ những món quà ý nghĩa hoặc nấu bữa ăn ngon để cả nhà quây quần, đoàn tụ.
Bà Diệu Tâm ở phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm) cho hay: Cứ đến mùa Vu lan, ngoài việc đến chùa lễ Phật, cầu siêu cho cha mẹ, bà còn dành nhiều thời gian để gần gũi con, cháu, răn, dạy con cháu những điều hay, lẽ phải và vận động người thân của mình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện như: Hỗ trợ bát cháo dinh dưỡng cho người bệnh nghèo, hỗ trợ gạo, thức ăn, áo, quần cho những người lang thang, cơ nhỡ…
Cuồng tín nên mất đi ý nghĩa tốt đẹp
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng - Tổng Thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam: Giáo lý Phật giáo luôn đề cao vai trò của chữ “hiếu” và trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, chữ “hiếu” cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Những câu dân ca rằng “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…” vẫn được bao thế hệ người Việt truyền tụng, xem như bài học đạo đức mà đề cao chữ “hiếu” là cốt lõi để răn dạy con, cháu nên người. “Hiếu” đối với cha mẹ là sự tận tụy chăm sóc, tôn kính bằng cả tấm lòng, bằng những gì có thể tốt đẹp nhất của những người con, nhằm đền đáp phần nào công ơn trời biển của cha, mẹ. Và việc báo hiếu cho cha, mẹ không chỉ dừng ở một lễ Vu lan mà là bổn phận, là trách nhiệm, đạo lý mà mỗi người làm con phải ghi nhớ suốt đời.
Những ngày đầu tháng 7 âm lịch 2020 diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19, nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị các chùa chiền, cơ sở tự viện tổ chức các nghi lễ Vu lan bằng hình thức online, tránh tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh. Giáo hội nghiêm khắc nhắc nhở, nhưng ngày mùng 1 tháng 7 năm Canh Tý nườm nượp dòng người kéo đến Phủ Tây Hồ để đặt lễ.
Bên trong di tích trước Ban thờ cô, thờ cậu, thờ thần và thờ mẫu… không còn một khoảng không. Tiểu Ban quản lý di tích phủ Tây Hồ bố trí người đo thân nhiệt, nhắc nhở rửa tay sát khuẩn phòng dịch nhưng cũng chỉ kéo dài được hơn 1 tiếng buổi sáng vì quá đông. Nhiều người đeo khẩu trang khi đi vào Phủ, nhưng đến các ban đặt lễ thì tháo ra để khấn cho linh. Chưa kể người cách người chưa được nửa gang tay.
Phật tử Minh Hằng cho biết: “Vẫn nghe thông tin đài báo tuyên truyền không nên tụ tập đông người, mọi người hành lễ ở nhà. Nhưng theo thói quen, ngày đầu tháng âm lịch, đặc biệt là tháng 7 - tháng cô hồn, người làm ăn kinh doanh như tôi không thể không lên phủ, đền dâng lễ”.
Lượng người đổ về phủ Tây Hồ quá đông, Phó Chủ tịch phường Quảng An - Đỗ Ngọc Long cho biết: “Ngăn cổng vào để giãn cách trong khuôn viên di tích thì xảy ra ùn tắc hàng ki lô mét ở ngoài đường. Lượng người đổ về không dừng nên chúng tôi phải thông báo tạm đóng cửa di tích, dừng tổ chức nghi lễ tâm linh. Toàn bộ các chùa, chiền trong địa bàn phường cũng không tổ chức lễ cúng trực tiếp theo tinh thần của Giáo hội”.
Văn minh của chùa online
Theo Thượng tạo Thích Nhật Từ: “Cúng online, đi chùa online không thay đổi bản chất tốt đẹp của văn hóa thờ cúng tổ tiên, báo hiếu cha mẹ của ông cha ta. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính, vào mạng gõ từ khóa “chùa online”, lập tức google sẽ cho ra hơn 20.000 kết quả tìm kiếm.
Không chỉ vậy, chắc hẳn nhiều người sẽ càng bất ngờ hơn khi giao diện của trang web chuaonline.com xuất hiện không khác gì một ngôi chùa truyền thống, thậm chí có phần lung linh, huyền bí hơn cùng những bài tụng kinh quen thuộc. Website này có đầy đủ những hình thức tâm linh cơ bản: Thắp hương, phòng hộ niệm - cầu an, phòng lễ giỗ ông bà, phòng cầu siêu, tủ sách về các bài kinh, lịch sử Phật giáo, các bản audio chuyện kể Phật giáo, phật pháp cho người mới bắt đầu…
Từ nghi lễ thắp hương đến di chuyển lần lượt từng ban thờ, đọc kinh… đều chỉ bằng thao tác kích chuột đơn giản. Khách thập phương khi ghé thăm “chùa online” còn được đón chào với bài niệm Phật, tụng kinh và tiếng chuông, tiếng mõ cài đặt tự động, không khác chùa ngoài đời thực là mấy. Nếu có khác thì chỉ có thể là thiếu mùi hương trầm thoang thoảng.
Chuaonline.com cũng đã giải thích rất rõ là nơi để các Phật tử thắp hương, tụng kinh và niệm Phật khi chưa có điều kiện đến chùa. Ngoài thời gian đến chùa online, mời các Phật tử nghe thuyết pháp để thanh tịnh và bồi bổ tâm hồn. Theo phần đông Phật tử, “chùa ảo” đem lại cảm giác khá gần gũi, quen thuộc bởi không gian bài trí 3D, hình ảnh sống động y như thật.
Từ lư hương, đến 5 pho tượng Phật lớn tọa trên đài hoa sen, cùng cột kèo, bài vị… đều được chạm khắc hoa văn nổi tinh xảo, ánh nến lung linh huyền ảo, toát lên vẻ trang nghiêm, tôn kính. Mọi nghi lễ được đơn giản hóa bằng một thao tác kích chuột theo hướng dẫn. Đồng quan điểm như trên, nhiều Phật tử cũng cho rằng, “chùa online” rất an toàn, tiện lợi vì không phải chen lấn xô đẩy, đơn giản hóa được những thủ tục phức tạp, giúp khách thập phương hình thành thói quen văn minh khi đi lễ chùa.
Dân gian có câu “Thờ cha, kính mẹ chính là chân tu” và tháng 7 âm lịch không chỉ là quãng thời gian ôn nhắc mỗi con người kỹ hơn về đạo hiếu mà còn là dịp hướng về nguồn cội, tri ân các vị anh hùng đã có công lao to lớn với đất nước trong lịch sử dân tộc. Việc hồi hướng, nhớ ơn như thế nào không phải phụ thuộc vào việc đến chùa, làm lễ to, lễ nhỏ, mà là cách chúng ta tưởng nhớ công ơn trong trách nhiệm chung với cộng đồng cùng phòng ngừa dịch bệnh.