Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thống tướng Min Aung Hlaing nói gì trước đề xuất của ASEAN về tình hình ở Myanmar?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền quân sự Myanmar đã có phản ứng đầu tiên về đề xuất 5 điểm đồng thuận của ASEAN trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.

Nhà lãnh đạo quân đội Myanmar - thống tướng Min Aung Hlaing hôm 27/4 khẳng định, quân đội sẽ xem xét các đề xuất của ASEAN bao gồm 5 điểm đồng thuận "sau khi ổn định đất nước".
Theo tuyên bố của nước chủ tịch ASEAN là Brunei, các nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp lãnh đạo các nước trong khối hôm 24/4 đã nhất trí năm điểm về Myanmar, bao gồm việc chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, lập phái đoàn ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, chấp nhận viện trợ nhân đạo và cho phép phái đoàn trên tới Myanmar. Việc đưa ra tuyên bố chung này được nhiều quốc gia hoan nghênh, trong đó có Liên minh châu Âu EU, Australia…
 Thống tướng Myanmar - Min Aung Hlaing. Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố trên trang web của bộ thông tin Myanmar, chính quyền cho biết, họ đã chuyển lời tới ASEAN rằng sẽ "xem xét cẩn thận các đề xuất mang tính xây dựng" mà các nhà lãnh đạo khu vực đưa ra trong Hội nghị các nhà lãnh đạo khối ngày 24/4 vừa qua. Tuy nhiên, chính quyền quân sự cũng nhấn mạnh ưu tiên lúc này là "duy trì luật pháp và trật tự", "khôi phục hòa bình và ổn định của cộng đồng".
Cho đến nay, Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, người đã bị bắt trong cuộc đảo chính ngày 1/2, vẫn bị giam giữ cùng với Tổng thống Win Myint và các quan chức dân cử khác.
Tuyên bố của quân đội cũng ngụ ý rằng Min Aung Hlaing đã phân phát một hồ sơ nêu rõ quan điểm của quân đội trong Hội nghị ngày 24/4. "Myanmar cũng tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét kỹ lưỡng tập tài liệu thông tin được lưu hành tại cuộc họp trước khi đưa ra các bình luận liên quan đến tình hình chính trị hiện tại ở Myanmar".
Trong một diễn biến liên quan, giao tranh đã nổ ra gần biên giới Thái Lan hôm 28/4 khi lực lượng nổi dậy người dân tộc thiểu số Karen tấn công một tiền đồn của quân đội Myanmar trong một số cuộc đụng độ dữ dội nhất kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.