Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thống tướng Myanmar thăm Nga

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chuyến công du thứ hai của Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing kể từ khi lên nắm quyền, sau hội nghị với các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 4.

Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing đã tới Moscow để tham dự một hội nghị an ninh, đánh dấu chuyến công du thứ hai kể từ khi ông lên nắm quyền sau chính biến ngày 1/2/2021.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) hồi tháng 2/2021. Theo một nhóm giám sát địa phương, cuộc trấn áp của quân đội Myanmar đối với những người bất đồng chính kiến ​​kể từ tháng 2 đã khiến ít nhất 870 dân thường thiệt mạng. 
Theo truyền thông quốc gia Myanmar, chuyến thăm của ông Min Aung Hlaing diễn ra theo "lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Nga", đồng thời cho biết thêm rằng ông đã được "chào đón" bởi đại sứ Nga tại Myanmar tại sân bay. 
 Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing. 
Đại sứ quán Myanmar tại Nga sau đó đã xác nhận việc ông Min Aung Hlaing tới thăm Nga với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti.
Chuyến thăm của ông Min Aung Hlaing diễn ra sau khi Đại hội đồng Liên Hợp quốc thực hiện bước đi hiếm hoi hôm 18/6, theo đó kêu gọi các quốc gia thành viên "ngăn chặn dòng chảy vũ khí" vào Myanmar và Nga bỏ phiếu trắng. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho quân đội Myanmar, theo AFP. 
Nghị quyết trên dù không ràng buộc và không nghiêm trọng tới mức kêu gọi cấm vận vũ khí toàn cầu, nhưng cũng yêu cầu quân đội "ngay lập tức ngừng mọi hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa." Nghị quyết đã được 119 quốc gia thông qua, với 36 quốc gia bỏ phiếu trắng, bao gồm cả Trung Quốc. Chỉ có Belarus bỏ phiếu chống.
Đây là chuyến công du thứ hai của nhà lãnh đạo quân đội Myanmar kể từ khi nắm quyền vào tháng 2. Trước đó, Thống tướng Min Aung Hlaing đã tham dự mội hội nghị với lãnh đạo ASEAN tại Jakarta vào tháng 4 nhằm tìm ra phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Nam Á. Hội nghị đã đưa ra một tuyên bố "đồng thuận 5 điểm" kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" và đề nghị có chuyến thăm Myanmar của một đặc phái viên khu vực. Tuy nhiên, vị tướng này cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau đó rằng Myanmar chưa sẵn sàng áp dụng kế hoạch 5 điểm trên.