Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ đoạn lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền tỷ của ngân hàng

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do cần tiền để sử dụng vào mục đích kinh doanh cũng như trang trải các khoản nợ, Nguyễn Hoàng Long (SN 1972, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar (Tập đoàn Vina Megastar) đã “bắt tay” với các thuộc cấp và cán bộ ngân hàng để lập hàng loạt hồ sơ khống.

Với thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt được của ngân hàng gần 20 tỷ đồng…
Nhiều lần hoãn tòa
Theo đó, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Long và 11 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” được TAND TP Hà Nội mở lần đầu tiên vào ngày 22/4/2015. Quá trình xét xử, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Hai Bà Trưng (Seabank Hai Bà Trưng) đã có đơn xin hoãn tòa và được Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp thuận.
Tiếp đó, vào ngày 23/3/2016, TAND TP Hà Nội đã một lần nữa mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hoàng Long và 11 đồng phạm về 2 tội danh nêu trên. Tuy nhiên, sau 2 ngày thẩm vấn và tranh luận, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Sở dĩ HĐXX quyết định trả hồ sơ của vụ án để điều tra bổ sung là do tại phiên tòa này, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo đã xuất trình thêm những tài liệu liên quan đến vụ án. Trước những tài liệu mới, HĐXX sơ thẩm xét thấy không thể làm rõ ngay tại phiên xử.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình

Sau gần 9 tháng điều tra bổ sung, vào ngày 21/12/2016, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Long về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Giữ vai trò giúp sức và cùng bị truy tố với bị cáo Long về tội danh này còn có 4 bị cáo khác, gồm: Lê Quỳnh Anh (SN 1975, vợ Long), Thái Quốc Trung (SN 1975), Lại Phú Chiến (SN 1978) và Võ Tuấn Hưng (SN 1978), đều là giám đốc các công ty “con” của Tập đoàn Vina Megastar.
Liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với bị cáo Long còn có 4 bị cáo khác là Nguyễn Trang Nhung (SN 1982), Nguyễn Văn Hoan (SN 1983), Nguyễn Anh Quang (SN 1987) và Đỗ Tuấn Anh (SN 1989), đều từng là Phó Giám đốc, cán bộ, nhân viên của Seabank Hai Bà Trưng. Các bị cáo này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Trước phiên tòa ngày 21/12/2016, các cơ quan tố tụng đã đình chỉ bị can đối với 3 người. Trong đó có bà Nguyễn Thị Sở (SN 1946, mẹ vợ Long) và Vũ Thị Hải Yến (SN 1985, nhân viên Seabank Hai Bà Trưng) do xuất hiện chứng cứ mới thể hiện không cần thiết phải xử lý bằng hình sự.
Doanh nghiệp “bắt tay” ngân hàng để lừa đảo
Theo cáo trạng truy tố, khoảng đầu tháng 11/2012, Seabank đã có đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP Hà Nội tố cáo Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc Seabank Hai Bà Trưng về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Tiếp đó, vào ngày 19/3/2013, lãnh đạo Seabank tiếp tục gửi đơn đến Cơ quan CSĐT tố cáo Nguyễn Hoàng Long cùng hàng loạt công ty liên doanh vay vốn của Seabank Hai Bà Trưng. Nguyên nhân là do bị cáo Long và các công ty liên doanh đã tự ý bán tài sản đảm bảo từ vốn vay là hơn 5.102.046kg sắt thép thành phẩm các loại có giá trị hơn 82 tỷ đồng mà không trả tiền vay cho ngân hàng.
Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoàng Long về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, quá trình điều tra đã xác định, do cần vốn kinh doanh và trả nợ nên từ tháng 8 - 12/2011, Long đã chỉ đạo giám đốc các công ty “con” thuộc Tập đoàn Vina Megastar, đồng thời thông đồng với Nguyễn Thị Hương Giang (hiện vẫn bỏ trốn) tạo lập hàng loạt hợp đồng giả về mua bán sắt thép, hợp đồng cho thuê kho bãi và hợp đồng tín dụng… để vay gần 30 tỷ đồng của Seabank Hai Bà Trưng. Qua đó, Long cùng các đồng phạm đã chiếm đoạt được số tiền hơn 18 tỷ đồng. Tính đến ngày xét xử, hậu quả của vụ án đã cơ bản được khắc phục hết.
Ngoài ra, cáo trạng truy tố cũng xác định, bị cáo Nguyễn Trang Nhung trong thời gian giữ chức Phó Giám đốc của Seabank Hai Bà Trưng đã trực tiếp ký duyệt 1 hợp đồng cho vay tín dụng. Đồng thời, bị cáo Nhung đã “bút phê” vào các thủ tục thế chấp tài sản liên quan đến hợp đồng này. Trong khi đó, trên thực tế, bị cáo Long cùng các đồng phạm không hề có tài sản bảo đảm đối với khoản tiền vay tương ứng. Hành vi này của bị cáo Nhung đã gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền gần 27 tỷ đồng.
Đối với 3 bị cáo Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Anh Quang và Đỗ Tuấn Anh từng là cán bộ, nhân viên Seabank Hai Bà Trưng cũng bị quy trách nhiệm do vi phạm các quy định về cho vay đối với tổ chức tín dụng và để “lọt” hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện. Hành vi của nhóm cán bộ Seabank Hai Bà Trưng được xác định là đã góp phần để Long cùng các đồng phạm chiếm đoạt số tiền rất lớn của ngân hàng.
Đáng chú ý, hầu tòa còn có vợ bị cáo Long là Lê Quỳnh Anh. Quỳnh Anh là Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Megastar, được xác định đã thực hiện hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng mua bán 407 tấn thép cuộn để tạo điều kiện cho bị cáo khác lập hồ sơ tín dụng khống rồi chiếm đoạt số tiền 3,9 tỷ đồng của Seabank Hai Bà Trưng. Ngoài ra, bị cáo Quỳnh Anh còn ký hợp đồng mua bán hóa đơn khống với số lượng 737 tấn thép cuộn nhằm lập hồ sơ tín dụng khống chiếm đoạt số tiền 7 tỷ đồng của Seabank Hai Bà Trưng.
Đặc biệt, bị can Nguyễn Thị Hương Giang được xác định đã có hàng loạt hành vi vi phạm. Cụ thể, bị can Giang đã “bật đèn xanh”, trực tiếp thông đồng với Long và chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện trái quy định Luật các Tổ chức tín dụng. Bị can này đã xuất cảnh ra nước ngoài ngày 28/6/2012, hiện chưa quay về Việt Nam nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra và quyết định truy nã. Tương tự, bị can Lê Anh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xuất cảnh ngày 3/11/2013. Hiện, bị can này cũng chưa quay về Việt Nam nên Cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, quyết định truy nã và tách rút tài liệu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để khi nào bắt được sẽ xử lý sau theo quy định.
Cái giá phải trả
Tại phiên tòa, bị cáo Long cùng các đồng phạm cho rằng, trong số các hợp đồng tín dụng làm căn cứ truy tố, một số khoản vay có tài sản bảo đảm (tương đương khoảng 5 tỷ đồng) nhưng ngân hàng không chịu xác nhận. Mặt khác, hầu hết nhóm bị cáo bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều cho rằng không chiếm đoạt tài sản mà chỉ ký các hợp đồng khống theo yêu cầu của bị cáo Long.
Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX chấp nhận số tiền các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hơn 14 tỷ đồng. Từ đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Long 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cũng với tội danh này, các bị cáo Lê Quỳnh Anh, Thái Quốc Trung và Lại Phú Chiến đều bị tuyên phạt 7 năm tù; bị cáo Võ Tuấn Hưng 8 năm tù.
Đối với 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Seabank Hai Bà Trưng: Nguyễn Trang Nhung bị tuyên phạt 4 năm tù; Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Anh Quang và Đỗ Tuấn Anh lần lượt bị tuyên phạt 36 tháng, 30 tháng và 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo cáo trạng truy tố, khoảng đầu tháng 11/2012, Seabank đã có đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP Hà Nội tố cáo Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc Seabank Hai Bà Trưng về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Tiếp đó, vào ngày 19/3/2013, lãnh đạo Seabank tiếp tục gửi đơn đến Cơ quan CSĐT tố cáo Nguyễn Hoàng Long cùng hàng loạt công ty liên doanh vay vốn của Seabank Hai Bà Trưng. Nguyên nhân là do bị cáo Long và các công ty liên doanh đã tự ý bán tài sản đảm bảo từ vốn vay là hơn 5.102.046kg sắt thép thành phẩm các loại có giá trị hơn 82 tỷ đồng mà không trả tiền vay cho ngân hàng...