Thu tốt nhưng phải chi đúng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lãng phí vô cùng”, đó là cụm từ được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới khi bàn về vấn đề chi ngân sách trong phiên thảo luận tổ đầu tiên tại Kỳ họp Quốc hội lần này.

Điều này cũng dễ hiểu bởi chi thường xuyên vẫn đang đè nặng lên ngân sách trong khi tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả. Cần kéo giảm chi thường xuyên xuống 60 - 50% mới có tiền để chi cho đầu tư phát triển. Đó là quan điểm được các đại biểu tán đồng đưa ra.
 Ảnh minh họa
Câu chuyện ngân sách, điều tiết tỷ lệ chi không phải là câu chuyện mới, nhưng luôn “nóng” mỗi kỳ Quốc hội bởi cân đối thu chi ngân sách vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện thu không đủ bù chi, chi đầu tư phát triển đang giảm dần trong khi chi thường xuyên mỗi ngày một tăng.  Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong điều hành ngân sách, năm 2017 ước sẽ vượt 2,3% so với dự toán nhưng đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách T.Ư có khả năng hụt thu. Rồi những lo ngại về con số nợ công, dự kiến cuối năm 2017 sẽ là khoảng 3,13 triệu tỷ đồng (bằng 62,6% GDP) và sẽ tiếp tục tăng lên mức 63,9% GDP vào cuối năm 2018. Sự cần thiết phải thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách ở tất cả các ngành, các cấp là vấn đề được đặt ra hết sức cấp thiết.
Dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ rà soát, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh chi ngân sách; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội… Đồng thời, thực hiện khoán chi hành chính, sử dụng xe công… Những biện pháp này được đánh giá là cần thiết, bởi thực tế lãng phí trong chi tiêu được chỉ ra ở không ít địa phương trong thời gian qua. Từ những lãng phí trong chi tiêu ăn uống, tiếp khách, đến tình trạng khi xây dựng kế hoạch thì "vẽ" ra nhiều thứ, nhưng chưa thấy hết tính cần thiết; làm rồi dẹp bỏ. Cùng với đó, có một thực tế không vui vẫn đang diễn ra ở nhiều tỉnh, TP còn nghèo, nhưng chi tiêu vượt định mức, giới hạn, buông lỏng quản lý tài chính để nợ đọng nhiều, tạo áp lực lớn về nợ công... Hay câu chuyện xin tiền ngân sách để xây trụ sở, làm các công trình không cấp bách đã khiến nhiều người băn khoăn lo lắng. “Với cách chi tiêu lãng phí như lâu nay thì làm bao nhiêu cho đủ"! đó là câu hỏi được nêu lên nhưng chưa có câu trả lời. Thâm hụt ngân sách do tăng chi và chi không hợp lý, không hiệu quả chứ không phải do nguồn thu giảm. Bởi thế, thu tốt phải đi với chi đúng và triệt để tiết kiệm. Ngoài ra, tình trạng chi khống, làm khống cũng được các đại biểu chỉ ra. Để giảm nợ công và giảm căng thẳng cho ngân sách, cần phải ngăn chặn đà tăng của chi thường xuyên. Việc siết chặt kỷ luật ngân sách, phấn đấu tăng thu để tăng chi là vấn đề cấp thiết hiện nay. Và nếu địa phương nào giảm thu thì phải kiên quyết giảm chi chỉ có như vậy mới có tiền để đầu tư cho phát triển.