Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng: Nhân rộng mô hình dạy tốt môn tích hợp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Nơi nào khó khăn thì phải tháo gỡ, nơi nào làm tốt thì phải nhân rộng, nơi nào chểnh mảng cần có văn bản xử lý kịp thời …” là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trong công tác tổ chức dạy học môn tích hợp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 triển khai thực hiện dạy học môn tích hợp (gồm: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí) và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS. Do có sự chủ động, linh hoạt từ cơ sở nên quá trình tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có dạy học môn tích hợp cơ bản đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra.

Tuy nhiên, đổi mới giáo dục nói chung, cũng như tổ chức dạy học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nói riêng diễn ra trên phạm vi toàn quốc, số lượng trường học rất lớn. Đây lại là nội dung mới, khó; điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, công tác tổ chức dạy học… nên dù đã giảm nhiều khó khăn nhưng việc dạy các nội dung này không tránh khỏi vướng mắc, lúng túng.

Theo đó, phần lớn các địa phương gặp khó khăn vì thiếu giáo viên và giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy; khó khăn trong tổ chức thực hiện; kiểm tra, đánh giá; thiếu cơ sở vật chất và thiết bị thí nghiệm; khó khăn về kinh phí triển khai…

Để khắc phục, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đồng thời có nhiều văn bản hướng dẫn triển khai trong thực tế đối với từng môn học.

Để công tác tổ chức dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin triển khai tại các địa phương, tiếp tục nghiên cứu các chuyên đề để tổ chức tập huấn.

Đối với các địa phương, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục trong toàn ngành và xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh.

Quá trình đổi mới giáo dục cũng như triển khai dạy môn tích hợp có vai trò quan trọng của cán bộ quản lý. “Đối với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, nếu cán bộ quản lý tìm hiểu sâu sát văn bản, yêu cầu của chương trình thì những khó khăn vướng mắc sẽ giảm đi rất nhiều. Cán bộ quản lý cũng cần chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, rõ thực trạng, giải pháp để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản chỉ đạo triển khai từ Bộ GD&ĐT; chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng đảm bảo khoa học, hợp lý, bám sát chương trình, yêu cầu của Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên, có những hình thức khen thưởng phù hợp đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục để tạo động lực cho mỗi nhà giáo...