Dạy tích hợp: Gỡ rối đến đâu vẫn cần sự đổi mới từ giáo viên

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Bằng việc ra văn bản hướng dẫn 5636/BGDĐT - GDTrH, Bộ GD&ĐT chính thức có động thái gỡ rối cho công tác giảng dạy môn tích hợp tại các nhà trường.

Dù rằng, tinh thần văn bản không quá mới nhưng những nội dung cụ thể bộ đưa ra đã tạo sự thống nhất, linh hoạt cho các nhà trường trong thực hiện.

Động thái tích cực

Năm học 2021- 2022 là năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) với khối 6; trong đó lần đầu tiên xuất hiện môn tích hợp gồm: Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học); Lịch sử và Địa lý (Lịch sử - Địa lý).

Ngay từ những ngày đầu triển khai các môn tích hợp, nhất là với Khoa học tự nhiên, dư luận bày tỏ sự trăn trở về phương pháp dạy học mới. Tích hợp là đúng, là phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới nhưng công tác chuẩn bị về con người chưa đi trước một bước. Hơn nữa, khi triển khai trong thực tế lại gặp không ít khó khăn về sự chưa đồng bộ, chưa đồng đều về đội ngũ, hạ tầng… dẫn đến nhiều bất cập.

Mặc dù phía nhà trường và thầy cô giáo đã nỗ lực đổi thay từng ngày, tận dụng tốt nhất nguồn giáo viên hiện có, đổi thay phương pháp sinh hoạt chuyên môn, sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu, tích cực tập huấn giáo viên… nhưng vẫn không khỏa lấp được khoảng trống kiến thức của giáo viên đơn môn và khó khăn vẫn là hiện hữu, không thể phủ nhận. Có thời điểm, không ít giáo viên nêu ý kiến cần chỉnh sửa chương trình môn tích hợp theo hướng tách về đơn môn như cũ…

Tại sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" tổ chức ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận triển khai môn tích hợp là điểm mới, điểm khó, điểm vướng, điểm nghẽn trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 và dự kiến sẽ xem xét, điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục. Văn bản 5636/BGDĐT- GDTrH đã cụ thể hóa điều này và bước đầu đưa ra những gợi mở về xây dựng kế hoạch dạy học các môn tích hợp.

Cụ thể, với môn Khoa học tự nhiên có bốn mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất; Năng lượng và sự biến đổi: Vật sống; Trái đất và bầu trời. Bộ đề nghị phân công giáo viên có chuyên môn phù hợp với nội dung dạy học. Việc để giáo viên dạy từ hai mạch nội dung trở lên hoặc toàn bộ môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm về chuyên môn. Với môn Lịch sử và Địa lý, các trường có thể bố trí dạy hai phân môn Lịch sử và Địa lý đồng thời trong học kỳ. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ cũng được thực hiện trong quá trình dạy theo từng phân môn.

Bộ lưu ý các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với mạch nội dung, linh hoạt để xếp thời khóa biểu được khoa học, bảo đảm tính sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên. Về kiểm tra, đánh giá, thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với giáo viên khác để thống nhất điểm. Phạm vi đề, nội dung bài kiểm tra định kỳ cần được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình.

Vẫn cần chủ động từ giáo viên

Nhận xét về những điều chỉnh trong văn bản mới của Bộ GD&ĐT, nhà giáo Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), cho biết: “Văn bản phần nào tháo gỡ những khó khăn trong việc dạy môn tích hợp khi đã tạo sự linh hoạt, tăng quyền chủ động cho giáo viên, nhà trường. Thay vì áp yêu cầu cứng nhắc, buộc giáo viên phải dạy được liên môn thì với hướng dẫn mới, bộ cho phép các giáo viên có thể dạy và chấm điểm đơn môn, sau đó thống nhất cho điểm chung của môn tích hợp đó”.

 

Với Chương trình GDPT 2018, những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới. Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục cùng tìm hiểu. Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn


“Văn bản mới của bộ hướng dẫn rất chi tiết. Điều này được thể hiện trong phần phụ lục, khi đề cập rõ số tiết và nhiệm vụ của từng giai đoạn. Hướng dẫn chi tiết đó giúp các trường có giải pháp về nhân sự, kế hoạch dạy tích hợp, tránh tình trạng lúng túng như trước đây” - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai Chu Thị Xuân Hường nói.

Đồng tình quan điểm trên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) Trần Thị Quỳnh Hương bày tỏ: văn bản trên thực chất không mới nhưng tạo thuận lợi và sự rõ ràng, thống nhất cho các nhà trường trong sắp xếp thời khóa biểu với môn tích hợp; đồng thời giúp tường minh hơn ở các khâu khó như phân công giáo viên và kiểm tra đánh giá, ra đề thi.

Là giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, cô Nguyễn Thị Hà (Trường THCS quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Đọc văn bản hướng dẫn của bộ, giáo viên trong tổ chúng tôi thấy tự tin hơn, vững vàng hơn khi triển khai chương trình. Chúng tôi được củng cố chắc chắn rằng, những điều mình đang thực hiện là đúng, từ đó tập trung giảng dạy, không bị phân tán tư tưởng. Và chúng tôi hiểu, cốt lõi ở đây vẫn là sự nỗ lực, đổi mới từ chính người thầy”.
Luôn động viên, khích lệ giáo viên đơn môn tự nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện kỹ năng dạy tích hợp thông qua các tiết chuyên đề, các buổi sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn và phải đặt lợi ích học trò lên hàng đầu, nhà giáo Chu Thị Xuân Hường cho biết: ngay từ đầu triển khai Chương trình mới, Trường THCS Hoàng Mai đã thực hiện phân công giáo viên đúng chuyên môn giảng dạy từng mạch nội dung kiến thức.

Với khối 6, trường xây dựng kế hoạch dạy học theo mạch nội dung, phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn bảo đảm dạy học toàn bộ chương trình. Khối 7, 8, trường phân công giáo viên đảm nhiệm nội dung dạy học phù hợp với trình độ chuyên môn; xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, tránh gây khó khăn trong phân công chuyên môn; sẵn sàng thay đổi thời khóa biểu để đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất.

“Trước khó khăn đặt ra, tôi nghĩ điều quan trọng nhất lúc này là mỗi nhà trường, mỗi thầy cô cần cố gắng vượt qua chính mình, tích cực đổi mới sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, nhà giáo Chu Thị Xuân Hường bày tỏ.

Còn TS Phạm Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Sư phạm, Đại học Thủ đô Hà Nội, người tham gia đào tạo chứng chỉ bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên cho hàng nghìn giáo viên cho rằng, giữa nhiều yếu tố cần và đủ để triển khai dạy tích hợp thì giáo viên đóng vai trò chủ đạo, còn cơ sở vật chất, trang thiết bị có tác dụng hỗ trợ đắc lực. Do vậy, muốn triển khai dạy tích hợp thành công thì vai trò đổi mới của giáo viên đóng vai trò quyết định nhất.

 

Bên cạnh việc tham gia khóa bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ dạy tích hợp, các nhà trường, địa phương cần tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng thường xuyên, liên tục trong năm để giáo viên được tham gia học tập, từ đó có thể tự tin khi giảng dạy chủ đề không thuộc chuyên môn của mình trước đây. Ngoài ra, cần động viên, khuyến khích thầy cô tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, thảo luận, hỗ trợ đồng nghiệp, giúp nhau tiến bộ hơn mỗi ngày.
Thêm nữa, giải pháp căn cơ hơn là Sở GD&ĐT các địa phương khẩn trương rà soát đội ngũ, nhu cầu giáo viên môn tích hợp, trong đó có môn khoa học tự nhiên; sau đó tiến hành đặt hàng các trường đại học Sư phạm để thời gian tới có thể bổ sung giáo viên chuyên sâu, được đào tạo bài bản về môn tích hợp…
Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa)
Nguyễn Cao Cường