Kế hoạch này sẽ buộc nam giới trong độ tuổi 18 phải phục vụ toàn thời gian trong lực lượng vũ trang hoặc lực lượng phòng vệ mạng của Vương quốc Anh trong khoảng 12 tháng, hoặc lựa chọn tham gia các công việc xã hội vào một ngày cuối tuần một tháng, hay 25 ngày/năm trong các tổ chức cộng đồng như cảnh sát hoặc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Nếu tham gia nghĩa vụ quân sự, họ sẽ thực hiện các nhiệm vụ như hậu cần, bảo vệ an ninh mạng, hỗ trợ hoạt động mua sắm hàng hóa, lương thực, vũ khí.
Quan chức này khẳng định đây là nỗ lực nhằm tăng cường an ninh của quốc gia này trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động, thách thức. Ông nói thêm kế hoạch này sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc cũng như mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho người trẻ tuổi, tăng cường học hỏi, tích lũy những kỹ năng thiết thực, từ đó đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
“Đây là một đất nước tuyệt vời, tuy nhiên thế hệ trẻ lại không có cơ hội để trải nghiệm những thứ mà họ xứng đáng được hưởng, nhất là khi ngày càng nhiều thế lực đang cố chia rẽ đất nước của chúng ta” – Thủ tướng trả lời phỏng vấn của BBC.
Ông Sunak cho biết Chính phủ Anh sẽ phải bỏ ra 2,5 tỷ bảng Anh/năm cho kế hoạch này, qua đó phần nào gây áp lực lên quỹ tài chính công. Quan chức này cũng cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2030.
Theo các thành viên Đảng Bảo thủ, khoảng 1 tỷ bảng Anh cho kế hoạch này sẽ được huy động từ nguồn xử phạt các hành vi trốn thuế, trong khi khoản tiền 1,5 tỷ bảng Anh đến từ Quỹ thịnh vượng chung – một kế hoạch hỗ trợ hậu Brexit.
Theo một số nguồn tin, trong trường hợp ông Sunak tái đắc cử, Đảng Bảo thủ có ý định muốn thành lập Ủy ban Hoàng gia để thực hiện kế hoạch này.
Anh đã bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 1960. Kể từ đó, các lực lượng vũ trang Anh chứng kiến sự cắt giảm đáng kể với số lượng quân nhân giảm hơn 1/4 trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2024. Các quan chức hàng đầu trong quân đội cho biết nam giới nước này cần phải chuẩn bị trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Vào tháng 1, người đứng đầu quân đội Anh, tướng Sir Patrick Sanders nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng lực lượng dự bị trước nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai. Ông cho biết nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự đồng lòng của toàn thể người dân.
Theo các quan chức tại Phố Downing, cam kết của Thủ tướng Sunak là minh chứng cho những nỗ lực của Đảng Bảo thủ nhằm giành lại thế chủ động về chính trị cũng như sự ủng hộ của công chúng từ Đảng Lao động đối lập, nhất là khi cuộc bầu cử quan trọng nhất nước Anh sắp diễn ra.
Trong khi đó, Đảng Lao động cho biết kế hoạch tiêu tốn hàng tỷ USD này sẽ khiến nền kinh tế Anh càng trở nên khó khăn hơn.
“Chính đảng Bảo thủ đã cắt giảm quy mô quân đội xuống mức thấp nhất kể từ thời Napoleon và giờ đây họ đang cố làm điều ngược lại” – Người phát ngôn của Đảng Lao động trả lời với BBC.
Nghị sĩ Richard Foord của Đảng Dân chủ Tự do lặp lại quan điểm: “Lực lượng vũ trang của chúng tôi đã từng khiến cả thế giới phải ghen tị. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ đã liên tục giảm thiểu sức mạnh quân đội và họ đang tiếp tục làm điều này”.
Chiều 22/5, Thủ tướng Sunak bất ngờ thông báo Anh sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới. Quan chức này đang nỗ lực đưa ra nhiều ý tưởng táo bạo nhằm nâng tầm ảnh hưởng trước cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, trong bối cảnh đối thủ Keir Starmer từ Đảng Lao động chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò ý kiến.
Kết quả của những cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Lao động đối lập đang dẫn trước Đảng Bảo thủ cầm quyền khoảng 20%. Đảng Bảo thủ cũng có nguy cơ mất phiếu trước Đảng Dân chủ tự do và Đảng Cải cách nước Anh.