Hội nghị có sự tham gia của 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, các địa phương; nhiều chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức, DN, hợp tác xã và đặc biệt là đông đảo nông dân đại diện cho hàng chục triệu hộ đến từ nhiều tỉnh, TP trên cả nước.
Điệp khúc “được mùa mất giá”
Một trong những nội dung được người nông dân quan tâm nhiều nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị. Mở đầu phiên đối thoại, nông dân Trần Công Danh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chia sẻ, sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản như giá, sản lượng, dự báo định hướng thị trường… lên website và các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó cung cấp thông tin chính thống và đáng tin cậy cho người nông dân, người sản xuất, DN để chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”. Tuy nhiên, đến nay tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn là vấn đề thời sự của ngành nông nghiệp.
Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân đó chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, bảo đảm nông dân có lãi. Năm 2019 được coi là năm rất khó khăn của ngành nông nghiệp do biến động về thị trường toàn cầu. Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động bởi thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta. Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng |
Liên quan đến bài toán liên kết, nông dân Phan Văn Thế ở xã Trinh Phú (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nêu ý kiến, thời gian qua, liên kết giữa người sản xuất và thương lái vẫn còn nhiều rào cản. Làm thế nào để nông dân có thể “bắt tay” với DN, nhà phân phối là vấn đề đặt ra. Cùng vấn đề này, nông dân Ngô Hùng Thắng, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cũng phát biểu: Hiện nay người nông dân tập trung sản xuất ra nông sản hàng hóa nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy xuất được nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn. “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, giải pháp, chính sách gì để hỗ trợ nông dân trong khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho nông dân?” - nông dân Ngô Hùng Thắng nói.
Cùng với liên kết tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân. Nông dân Nguyễn Hữu Hà ở xã Tân Dân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho rằng, nông dân làm nông nghiệp 4.0 luôn “đói vốn”. Chính phủ đã có Nghị định về tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, song việc tiếp cận rất khó.
Nhìn thẳng bất cập trong quản lý Nhà nước
Xung quanh vấn đề chuỗi liên kết nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc tiêu thụ nông sản thực tế còn khó khăn, năng lực cạnh tranh chưa ổn định. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, tổ chức sản xuất và điều hành mùa vụ chưa tốt. "Thời gian tới cần tổ chức lại sản xuất và đẩy mạnh thông tin thị trường" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến nghị.
Hiện nay tình hình sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Số liệu thống kê cụ thể cho thấy số hộ sử dụng dưới 0,2ha đất nông nghiệp chiếm khoảng 36%, số hộ sử dụng từ 5ha trở lên chỉ chiếm có 2%. Đánh giá để tiến lên sản xuất lớn theo công nghệ cao thì nhu cầu đất đai là vấn đề cấp bách, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo quy định về tập trung, tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2019.
Chúng tôi đồng tình với người nông dân, rằng con đường tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới theo mô hình chuỗi giá trị. Với vai trò của mình, chúng tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ tư vấn, thành lập các hợp tác xã ở địa bàn nông thôn, đồng thời, đào tạo, nâng cao năng lực quản trị và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo |
Phản hồi ý kiến của một số nông dân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đơn vị đã bố trí 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, đã có 17.000 khách hàng được vay với dư nợ 38.000 tỷ đồng. Theo ông Tú, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên tập trung vốn tín dụng tích cực và nhanh hơn các lĩnh vực khác. Thẳng thắn nhìn nhận khi tín dụng đen vẫn còn địa bàn hoạt động, tức là tín dụng chính thức được làm chưa tốt, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện để nông dân vay vốn, thông qua việc rà soát, củng cố lại hệ thống cho vay, đảm bảo lãi suất hợp lý.
Cũng liên quan tới vấn đề tín dụng đen, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam thông tin, ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an kiểm soát chặt, xử lý nghiêm vấn nạn này. Theo đại diện Bộ Công an, thời gian qua, Bộ đã vào cuộc quyết liệt, khởi tố nhiều vụ án tại Thanh Hóa, Gia Lai, Cần Thơ…
Mỗi nông dân cần có tinh thần khởi nghiệp
Đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm và khát vọng vươn lên của nông dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là điều rất quan trọng đối với một giai cấp, một dân tộc và nếu không có khát vọng, sẽ không thể có được thành công. Thủ tướng cũng nhìn nhận qua Hội nghị, còn nhiều bất cập tồn tại trong phát triển nông nghiệp. Liên kết 6 nhà còn nhiều trở ngại. Đặc biệt, các vấn đề môi trường, dịch bệnh, tích tụ đất đai vẫn là nỗi băn khoăn lớn, được bà con nông dân rất quan tâm.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến thị trường, các tiêu chuẩn cần thiết để xuất khẩu nông sản. Tiếp tục rà soát các thủ tục liên quan đến hỗ trợ của người nông dân, nhất là vốn vay. Khởi nghiệp cho nông dân cũng là một vấn đề rất lớn được Thủ tướng quan tâm, đồng thời yêu cầu ngay sau hội nghị, các bộ, ban, ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp. Đồng thời hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác: Nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh. Tại đây chúng ta kêu gọi đất nước cần một lớp nông dân đổi mới” – người đứng đầu Chính phủ nói. Đồng thời cho rằng, nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, kiến thức khoa học công nghệ và thị trường, bởi đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có.
Liên quan tới vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, quan điểm của Đảng, Chính phủ là kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội của vùng. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh gắn với xây dựng chuỗi giá trị cao.
Bộ NN&PTNT đã từng bước ứng dụng công nghệ trong dự báo thị trường, tuy nhiên trong yêu cầu thích ứng với thay đổi nhanh của thị trường thì như vậy là chưa đủ. Do đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án và trong quý I/2020 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến tới triển khai ngay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn |