Chỉ hùng mạnh khi DN tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu
Thủ tướng cho biết, ba mươi năm đổi mới, chúng ta cùng nhau chứng kiến những thành quả phát triển kinh tế tích cực. Đặc biệt, 2018 là năm thứ 4 liên tiếp cả nước có số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và số vốn đăng ký kỷ lục. "Trong thành công này kinh tế tư nhân nổi lên là lực lượng quan trọng phát triển kinh tế đất nước, chiếm hơn 40% GDP. Nhiều DN tư nhân khẳng định giá trị thương hiệu của mình và được người dân trong nước tin tưởng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ thực tiễn các nước, Thủ tướng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, các ngành, các cấp cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa. "Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN tư nhân có thể cạnh tranh toàn cầu" - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sự thật, làm thế nào để DN quy nhỏ cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu. Hàng triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN, đóng góp cho xã hội. "Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khoá thành công" - Thủ tướng khẳng định.
Theo người đứng đầu Chính phủ: Đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan tới công nghệ mà còn nhiều lĩnh vực khác. Nếu tính tổng các nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ nhưng chúng ta chiến thắng nhờ sử dụng tài tình nguồn lực, phát huy điểm mạnh của mình.
Thủ tướng nhấn mạnh, những DN, doanh nhân ngồi tại hội trường này là người đi tiên phong. Những đề xuất của họ trong chương trình sẽ góp phần phát triển kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn. Có nhiều câu chuyện về kinh tế tư nhân, DN khởi nghiệp thành công. Đó là động lực để phát triển kinh tế tư nhân, tạo sức mạnh mềm để Việt Nam có thể vươn tầm thế giới..
Thủ tướng cũng đề cập đến tinh thần DN với chí tiến thủ cao, luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, cách tân DN. Doanh nhân cần kinh doanh chân chính, góp phần phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó là lòng yêu nước. Các DN tạo nên những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới sẽ góp phần đưa tên tuổi Việt Nam ra toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân. |
4 thông điệp của Thủ tướng
Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này. "Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa", Thủ tướng nói.
"Cần có đột phá về môi trường kinh doanh, hiện nay còn nhiều rào cản, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp. Giải pháp đột phá sắp tới là gì. Nhà nước, DN cần làm gì với lộ trình ra sao? DN là người lăn lộn thực tế, thấy rõ nút thắt... Chúng tôi tới đây để lắng nghe ý kiến của doanh nhân", Thủ tướng kỳ vọng.
Thủ tướng gửi thông điệp tới DN để xoá bỏ điểm nghẽn hiện nay, đó là: Sự bình đẳng; Được bảo vệ; Khích lệ và Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân.
“Bình đẳng trước hết kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh nhất là trong phân bố tiếp cận nguồn lực. Được bảo vệ quyền tài sản, tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, đặc biệt là giảm chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Được khích lệ nhất là những DN làm ăn chân chính có trách nhiệm với xã hội ngược lại cần lên án những DN làm ăn chộp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh. Cuối cùng là trao cơ hội cho các DN vươn lên, được làm ăn trong môi trường thông thoáng, tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN, chống độc quyền DN mở ra cơ hội cho DN tư nhân phát triển bình đẳng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng đã thảo luận với các trường đại học cũng như DN trẻ về đổi mới. "Nước ta đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn", ông nhận định.
Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, để ngành kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh; có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công; Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường. Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư. Về hạ tầng: Chính phủ và các bộ ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh. Về thị trường: cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ vừa phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia", thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.
Trước giờ Phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia lễ cắt băng khai mạc Triễn lãm Thành tựu kinh tế tư nhân. Với khoảng 30 gian hàng, triển lãm tập trung vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, y dược, công nghệ, vận tải... thuộc nhiều tập đoàn, công ty tên tuổi như VinFast, MXP, BIM Group, TTC, Grab, TomoChain... |