Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Không say sưa với kết quả đạt được 9 tháng đầu năm

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng lưu ý, nếu cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP.

Ngày 3/10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2017. Phát biểu phiên họp, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2017. Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả. Nếu quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,28%, thì quý III có sự đột phá, tăng 7,46%. Tăng trưởng này nằm ở các khu vực sản xuất, dịch vụ rất lớn.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước thông tin về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc; Chỉ số nhà quản trị mua hàng do Nikkei vừa công bố thì Việt Nam đạt trên 53 điểm, cao nhất ASEAN. Điều này thể hiện không khí làm ăn, kinh doanh đáng mừng.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hệ thống chính trị vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Lũy kế đến nay, đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính, có bộ tuyên bố cắt giảm đến 600-700 thủ tục. Các bộ đều có nghị quyết, đề xuất Thủ tướng có nghị quyết cắt giảm các thủ tục hành chính.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, 9 tháng chỉ tăng 1,83% (chỉ số CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2016). Lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,45%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Thu ngân sách tăng gần 14%. Tín dụng tăng khoảng 12%. Thị trường chứng khoán đạt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Nhập siêu giảm, chỉ còn 442 triệu USD.

Tổng vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần trên 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn thực hiện đạt 12,5 tỷ USD. Gần 94.000 doanh nghiệp đăng ký mới.

Không chỉ về kinh tế, chúng ta còn đạt những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thủ tướng cho biết, trong tháng 9 vừa qua, cơn bão số 10 mạnh nhất nhiều năm trở lại đây đã đổ bộ vào nước ta nhưng thiệt hại ở mức thấp. Hệ thống phòng chống thiên tai đã đi vào hoạt động có hiệu quả.

Như vậy, theo số liệu thống kê và báo cáo chính thức của các cấp, các ngành thì với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì điều đáng mừng năm nay có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt, trong đó có nhiều chỉ tiêu chất lượng quan trọng, làm động lực phát triển, Thủ tướng nêu rõ.

Mặc dù kết quả đáng mừng, nhưng Thủ tướng lưu ý, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đề ra. Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP, Thủ tướng lưu ý. 9 tháng tăng trưởng 6,41%, cao hơn cùng kỳ nhưng để cả năm đạt 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, con số không phải dễ dàng.

Đề nghị các bộ, ngành chức năng phải tìm ra các hạn chế, yếu kém, các địa phương trọng điểm phải tìm các giải pháp cụ thể để tiếp tục tăng trưởng, Thủ tướng lưu ý một số điểm như ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh, nhưng khu vực công nghiệp, xây dựng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn khi vẫn còn 8.700 doanh nghiệp giải thể.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tuy cải thiện nhiều, nhưng chưa đạt yêu cầu, đến nay, giải ngân gần 55% là thấp. “Chúng ta đang nói thiếu vốn, nhưng có vốn rồi, giải ngân không phải dễ. Đây có phải là việc chúng ta cần quan tâm để góp phần tăng trưởng chăng?”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh địa phương nào, ngành nào không làm được thì kiên quyết cắt giảm vốn theo đúng quy định để dành cho các việc cấp bách khác.“Có chế tài này để các đồng chí đều phải tập trung, chứ không thể nói là muốn giải ngân cũng được mà không cũng được. Nền kinh tế đang khát vốn, nếu đưa tiền các đồng chí không triển khai được thì phải điều chuyển”.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn rất chậm (mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11.800 tỷ đồng trong kế hoạch 60.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng các lĩnh vực xã hội, môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.