Nội lực kinh tế Việt Nam rất lớn
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng nói đây là “hội nghị triệu người nghe”, khi được truyền hình trực tiếp để nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có thể theo dõi. Ông nhắc lại các thời khắc hào hùng vào thời điểm tháng 5 trong quá khứ như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thống nhất đất nước năm 1975, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5… và nhấn mạnh lúc này cũng là thời khắc mang tính bước ngoặt của lịch sử. Thời khắc lịch sử này mang tính bước ngoặt với thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra. Hiếm có một biến cố y tế nào tác động hầu hết quốc gia, vượt xa các đại dịch khác trong lịch sử, ảnh hưởng hàng tỷ người. Đã có gần 4 triệu người nhiễm, 300.000 người đã chết và các con số chưa dừng lại.
Toàn cảnh hội nghị |
Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Theo Người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn như vậy, những doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc tới những doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải toả thời gian qua là điều đáng buồn.
Nhắc tới con số tăng trưởng kinh tế quý I/2020 tại một số đầu tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, TP HCM có mức tăng trưởng quý I/2020 so với cùng kỳ là 1,43%, Hà Nội tăng trưởng trên 3,5%, Hải Phòng tăng trưởng hơn 14,9%.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 3,82% trong quý I/2020, mặc dù là mức thấp trong nhiều năm qua nhưng là mức cao so với nhiều nước, thậm chí là mức tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN ở quý I/2020.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 ở mức 2,7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong các nước ASEAN 5 Việt Nam được dự báo là có mức tăng trưởng tốt nhất.
Theo Thủ tướng, trước thách thức của dịch bệnh, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển để ngọn lửa tăng trưởng vẫn có thể bùng lên khi dịch kết thúc. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nếu mỗi người chịu hi sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì tất cả sẽ chiến thắng. “Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định. Về kinh tế, Thủ tướng nhận định: “Năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn”.
“25 năm nữa, Việt Nam có các đế chế như Google, Alibaba hay không?”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến Google, Aphabet, Alibaba… và nói rằng cách đây 25 năm, những công ty này chưa hề xuất hiện. Ông đặt câu hỏi, đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thịnh vượng, thì Việt Nam có những công ty lọt top 500 thế giới hay không.
Thủ tướng cho rằng giờ là lúc “lò xo bị nén lại” sẵn sàng để bung ra. Ông nhấn mạnh cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như IMF dự báo chỉ 2,7%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra 6 đề nghị tới cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất, mong muốn các doanh nghiệp yêu tổ quốc, làm gì cũng phải nghĩ đến tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Ông cảm ơn tinh thần chia sẻ của nhiều doanh nghiệp với Chính phủ, nhiều hộ kinh doanh cá thể nhường cơm sẻ áo trong lúc dịch bệnh. Thứ hai, cần đoàn kết, mất đoàn kết là tự làm yếu mình. Thứ ba, không nản chí, nản chí là tự bỏ cuộc. Thứ tư, năng động, quyết đoán, thụ động lưỡng lự là mất cơ hội. Thứ năm, sáng tạo, thiếu sáng tạo là tự thụt lùi. Thứ sáu, có niềm tin, tự mình chối bỏ mình nếu không có niềm tin.
“Việt Nam có mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045. Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này. Vậy xin hỏi tầm nhìn 2045 của doanh nghiệp là gì? Đang ở đâu”, Thủ tướng đặt câu hỏi. Thủ tướng nhấn mạnh sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp, nếu không nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy.
Thủ tướng cho rằng việc gì quá dễ dàng thì kém có ý nghĩa, thành công không phải vì đã đạt được, mà là trở ngại đã và sẽ vượt qua. Ông nhấn mạnh lúc gai góc nhất là lúc thể hiện tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, ý chí.
Phát triển theo hình chữ V, chứ không phải là U hay W
“Hội nghị được tổ chức hội nghị rất khác so với các lần trước, thể hiện tinh thần yêu nước. Mà yêu nước thì phải hành động. Doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển theo hình chữ V, chứ không phải là U hay W”, Thủ tướng nói nói.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị 5 mũi giáp công để tái khởi động trong lúc này. Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân. Thứ hai, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thứ ba, tăng cường xuất khẩu. Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thứ năm, khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.
Thủ tướng cho biết Việt Nam còn nhiều nút thắt, điều này Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn lo đến. Nhưng lúc này, các doanh nghiệp không bàn lùi, than nghèo, kể khổ, cần nêu ra trở ngại lớn cả ngành. Chính phủ không thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, chỉ có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất, bởi tăng năng suất là bền vững, tạo ra lợi nhuận.
Thủ tướng đặt kỳ vọng hội nghị kết tinh tinh thần yêu nước người dân và doanh nghiệp, tái cơ cấu, vượt qua yếu kém, vượt lên tăng trưởng, không chỉ tạo dựng môi trường đoàn kết, yêu lao động, đóng góp cho đất nước
Các doanh nghiệp cũng cần cùng nhau sẻ chia, đóng góp cho bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, tinh thần này phải được lan tỏa, phải có kết quả cụ thể. Hội nghị sẽ không có nói suông, không nói rồi để đó, phải gỡ khó cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp. “Phải có chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy. Cũng phải có tinh thần chống trì trệ như chống dịch. Virus trì trệ nằm ngay trong tổ chức, doanh nghiệp và địa phương”, Thủ tướng nói.