Thủ tướng Tây Ban Nha cam kết khôi phục trật tự pháp luật tại Catalonia

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/10, cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia của Tây Ban Nha đã chính thức tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương Madrid và các nước châu Âu.

 Nghị viện vùng Catalonia ngày 27/10, tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Theo đó, trong một cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện vùng tự trị này, lực lượng ủng hộ độc lập đã giành chiến thắng với 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống  và 2 phiếu trắng.
Được biết, các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Nhân dân (PP) cầm quyền và đảng Ciudadanos đã bày tỏ sự phản đối khi bỏ ra ngoài trước cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, quyết định của Nghị viện Catalonia có thể sẽ bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố là bất hợp pháp.
Trong một phản ứng đầu tiên sau khi cơ quan lập pháp Catalonia chính thức tuyên bố vùng này độc lập khỏi Tây Ban Nha, ngày 27/10, Thủ tướng Mariano Rajoy đã kêu gọi người dân kiềm chế và khẳng định các trật tự pháp luật sẽ được khôi phục tại đây.
Thủ tướng Mariano Rajoy phát biểu tại phiên họp của Thượng viện Tây Ban Nha ngày 27/10. Ảnh: Reuters
Tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalonia được đưa ra cùng thời điểm Thượng viện Tây Ban Nha đang nhóm họp để thông qua các biện pháp khẩn cấp được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp, nhằm áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính quyền trung ương đối với vùng Catalonia. Theo đó, chính quyền Tây Ban Nha sẽ tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, công quỹ và đài phát thanh, truyền hình của vùng Catalonia cho đến khi vùng này tổ chức bầu cử.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập của Catalonia ngày 1/10 đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975. Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của Catalonia là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh châu Âu (EU).