Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội chống dịch bài bản, kiên quyết xét nghiệm trên diện rộng

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều kiên quyết xét nghiệm trên diện rộng, truy vết bằng công nghệ thông tin, đã kiểm soát cơ bản tình hình.

Chiều 2/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với các các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19.
Cùng dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo các bộ, ngành.
Tại điểm cầu TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến...
 Thủ tướng phát biểu mở đầu cuộc họp.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tham dự đông đủ, thể hiện sự quan tâm, sự “đồng thanh nhất trí” về quyết tâm chống dịch COVID-19 trong giai đoạn 2 sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng ngày 24/7. Những ngày gần đây, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng cũng như chúng ta phải thực hiện được mục tiêu kép trong lúc toàn cầu gặp khó khăn.
Đánh giá cao TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều kiên quyết xét nghiệm trên diện rộng, truy vết bằng công nghệ thông tin, dừng một số dịch vụ không thiết yếu, đã kiểm soát cơ bản tình hình, Thủ tướng đặt vấn đề giãn cách xã hội sẽ được đặt ra đến đâu, như thế nào chứ không phải tất cả các khu vực đều giãn cách xã hội. Những phương thức nào chúng ta đã làm cần tiếp tục làm tốt hơn như vận động nhân dân rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, truy vết, xét nghiệm mở rộng…
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. “Một số ý kiến cho rằng cần dừng hẳn thi thì có đúng không trong lúc chúng ta chỉ có mấy tỉnh giãn cách xã hội, chúng ta có tổ chức kỳ thi thành mấy lần hay không”, Thủ tướng nói.
Một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng không để đổ gãy kinh tế, điều này đòi hỏi chỉ đạo thật tốt để nhân dân ủng hộ, chỉ có nhân dân ủng hộ thì mới thành công.
Nguy cơ cao xuất hiện ca mắc mới tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp (tính đến 18h ngày 1/8), sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Trong vòng 10 ngày tính từ 24/7 đến nay, đã ghi nhận 144 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 31/7/2020, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục từ đầu vụ dịch với 82 trường hợp mắc, trong đó có 56 trương hợp lây nhiễm tại cộng đồng.
Do dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5- 8/7/2020 và từ 16-20/7/2020. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lẫy nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn.
Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của TP. Đà Nẵng với 138/144 trường hợp, là bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên.
Thời gian qua là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi/đến Đà Nẵng. Có khoảng 1,4 triệu người đã đến Thành phố Đà Nắng từ 1-29/7/2020, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực 3 bệnh viện tại Thành phố (khoảng 46.000 trường họp đên khám; chữa bệnh tại 3 bệnh viện). Các trường họp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 Quang cảnh phiên họp
Hiện tại, với số liệu về các trường họp mắc bệnh đã được ghi nhận, có thể nhận định nguồn lây nhiễm chính là tại Bệnh viện đa khoa Thành phố Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm rất cao trong hệ số khoảng từ 6-10 và lây lan ra cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương.
Đề xuất thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt. Trong đó, địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) thì tổ chức thi vào đợt 2 sau đó. Điều này đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh.

Tuy nhiên, ngay với thí sinh thuộc diện F1, F2 ở các địa phương không thuộc nhóm nguy cơ cao cũng sẽ vẫn được tổ chức thi cùng với đợt thi của Đà Nẵng, Quảng Nam. Bộ có chỉ đạo các trường xét vào đại học đảm bảo lợi ích tối đa cho các em, những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường đại học.

Theo Bộ trưởng, về cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất, đề thi đã gửi về các địa phương in sao. Mục tiêu, tổ chức kỳ thi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ về chuyên môn mà còn cả về sức khỏe cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia kỳ thi.

Bộ GD-ĐT đã họp với các địa phương, hầu hết các địa phương đồng ý với phương án thi chung. Tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh do dịch bệnh.

Trong đó, Quảng Nam đề xuất đến ngày 5/8, tình hình dịch bệnh không biến động thì tiếp tục tổ chức kỳ thi bình thường, nhưng nếu diễn biến dịch phức tạp hơn thì hoãn kỳ thi lại một tháng, sau nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu thì được đặc cách tốt nghiệp.

Hà Nội phòng, chống dịch vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế
Phát biểu tại phiên họp, từ điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố Hà Nội đã triển khai nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế.
 Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội
Ngày 28/7, Thành uỷ Hà Nội đã có công điện gửi các cấp chính quyền với tinh thần kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch như giai đoạn 1 và 2, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng từ thành phố đến cơ sở, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài”.
Hà Nội tăng cường tuyên truyền người dân nêu cao tinh thần tự giác trong việc khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn…
“Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo rõ, các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch theo chỉ đạo của Trung ương để cập nhật vào kịch bản phòng, chống dịch của Thành phố cho phù hợp nhưng với tinh thần là vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế”, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết.
Với những trường hợp đi từ Đà Nẵng, Quảng Nam và những vùng có dịch đều được xét nghiệm test nhanh, đồng thời chủ động tự cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà. Đối với các trường hợp sốt, ho, khó thở thì xét nghiệm bằng PCR.
Tính đến 12h ngày 2/8, toàn thành phố đã ghi nhận 83.937 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 đến nay (tăng thêm 11.662) so với số rà soát của ngày 1/8. Thành phố hiện có 80.000 test nhanh và đã chuyển cho các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã 69.000 test, trong đó đã xét nghiệm được cho 67.746 người.
Kết quả của hoạt động test nhanh, Hà Nội đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính nhưng khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật PCR thì 10 trường hợp âm tính, còn 1 trường hợp đang chờ kết quả. Bên cạnh đó, Thành phố đã xét nghiệm PCR cho 491 trường hợp, kết quả có 465/491 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính là bệnh nhân 447, còn lại 25 mẫu chưa có kết quả. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã rà soát được 127 trường hợp F1 liên quan đến hai ca bệnh mới, tất cả đều cho kết quả âm tính.
Hà Nội đã đón đoàn vận chuyện các bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về an toàn, đồng thời tổ chức cách ly, điều trị ngay tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Ngành Y tế thực hiện cách ly chặt chẽ những trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội, bảo đảm đúng quy trình. Hiện Hà Nội còn 992 người đang cách ly tại các khu cách ly tập trung; 496 trường hợp F2 đang được cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 1 và 2 phòng chống dịch, Hà Nội có thể xét nghiệm được 4.000 – 5.000 mẫu PCR/ngày nhưng giai đoạn đó, Hà Nội chủ yếu mượn máy chuyên dụng của các đơn vị. Vì thế, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn Hà Nội có cơ chế đặt hàng các bệnh viện của Trung ương và tư nhân có thể xét nghiệm PCR cho những trường hợp sốt, ho, khó thở và các bệnh nhân có nhu cầu để giảm tải cho Hà Nội trong công tác xét nghiệm.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Y tế giúp đỡ trong việc mua đủ lượng test nhanh, bởi hiện nay số lượng test của Hà Nội không đủ cung cấp cho số lượng người đăng ký đông.
“Hà Nội đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch từ cấp thành phố đến cơ sở trên tinh thần khoa học nhất nhưng không chủ quan, lơ là để thực hiện tốt mục tiêu “kép” là vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm duy trì sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu đến ngày 12/8, Hà Nội không phát hiện thêm ca nhiễm nào thì có thể nói, thành phố đã tương tối an toàn”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định.
Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đồng tình với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã bảo đảm các điều kiện an toàn để chuẩn bị cho kỳ thi như: tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ coi thi và học sinh.
Sau phần phát biểu của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Thủ tướng nhận xét Hà Nội đã triển khai bài bản phương án chống dịch, có kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch.