Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thừa phát lại Hà Nội: Tích cực hỗ trợ các cơ quan tư pháp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thừa phát lại Hà Nội thời gian qua hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: lập vi bằng, tống đạt văn bản, giấy tờ, tổ chức thi hành án dân sự, tích cực hỗ trợ các cơ quan Tư pháp.

Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông kiểm tra hồ sơ trước khi tống đạt văn bản. Ảnh: Văn Trọng

Tại Hà Nội, đến nay có 8 văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn TP (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm). Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được triển khai thực hiện và đã có được những kết quả tích cực.

Theo Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội Nguyễn Văn Lạng, trong năm 2020, có 69.294 văn bản của tòa án được các Văn phòng Thừa phát lại tại Hà Nội tống đạt với doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng; 13,637 vi bằng đã được lập với doanh thu hơn 13,9 tỷ đồng. Đồng thời, trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự 1 vụ việc, giá trị thi hành án về tiền 2,6 tỷ đồng...

Các Văn phòng Thừa phát lại đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như: Tống đạt các văn bản, tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu tiền cho người được thi hành án...

Theo các Thừa phát lại, một trong những thế mạnh của các văn phòng là tống đạt văn bản của tòa án và lập vi bằng. Trước đây, các cơ quan, đơn vị chưa hiểu hết về Thừa phát lại nên Thừa phát lại gặp khó khăn trong việc tống đạt văn bản. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã kịp thời có văn bản tháo gỡ vướng mắc. Sau gần 8 năm thực hiện tại Hà Nội, chế định Thừa phát lại đã khẳng định được chỗ đứng. Nhiều người dân đã biết đến chế định này và tự tìm đến các Văn phòng Thừa phát lại. Sinh viên ra trường cũng tin tưởng, kỳ vọng đây là một nghề có thể tạo dựng được việc làm ổn định.

Hoạt động của Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự, trong quan hệ với cơ quan, tổ chức nhà nước và trong hoạt động tố tụng; góp phần tạo dựng môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế, giảm tải công việc của Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn TP theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, TP Hà Nội yêu cầu việc phát triển các văn phòng Thừa phát lại phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn TP. Đồng thời bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp của tổ chức cá nhân, cũng như bảo đảm các điều kiện cần thiết để văn phòng Thừa phát lại phát triển ổn định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện, thị xã; số lượng vụ việc thụ lý của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, mật độ dân cư ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập văn phòng thừa phát lại để thành lập văn phòng thừa phát lại (UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội).

Theo đó, tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội không quá 43 tổ chức; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 văn phòng Thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 văn phòng Thừa phát lại. Trong trường hợp có sự điều chỉnh về loại hình đơn vị hành chính cấp huyện (nâng cấp từ huyện thành quận) thì số lượng văn phòng Thừa phát lại được điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp so với quy định.