Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đưa ra một giải pháp chung đó là thuận thiên để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thuận thiên để thích ứng với biến đổi
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê CôngThành - Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, biến đổi khí hậu là thách thức của phát triển đối với bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.
Để người dân nhận thức được một cách đầy đủ những thách thức do biến đổi khí hậu mang lại cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cần có vai trò của của báo chí và truyền thông. Tuy nhiên, hiện nay công tác truyền thông đang gặp khó khăn; hiểu chưa đầy đủ; phương pháp truyền thông chưa hấp dẫn; thời lượng chưa đủ; tính lan tỏa chưa cao... Vì vậy chưa thu hút mọi tầng lớp chú ý đến vấn đề biến đổi khi hậu; chưa tăng cường được nguồn lực từ xã hội cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Hưng - Giám đốc VOV tại ĐBSCL chia sẻ: “Thực tế khách quan về sức tàn phá của biến đổi khí hậu là điều ai cũng hiểu nhưng để biết đầy đủ và thực hiện theo phương thức sống thuận thiên thì rất cần sự đóng góp của cơ quan báo chí trong thông tin, tuyền thông. Lẽ đương nhiêu cơ quan báo chí là cầu nối giữa các cơ lập pháp, hành pháp, tư pháp với người dân và ngược lại. Nhưng việc thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi mục đích tuyên truyền cần sâu, sát và đa diện".
Cũng theo nhà báo Lê Quốc Hưng: “Với tư duy cơ hội “1+1=2” trong một thời gian dài rằng sản lượng, năng suất tăng, năng suất lúa cao, đồng nghĩa thu nhập của nông dân tăng nhưng thực tế cho thấy canh tác lúa 3 vụ người nông dân miền tây vẫn mãi nghèo... Hơn 20 năm qua người dân với sự hỗ trợ của chính quyền đã xây dựng gần 20.000km đê bao chống lũ triệt để để bảo vệ hơn 6.000 ô ruộng... biết bao công súc đã đổ ra mà chỉ thấy con số sản lượng lương thực tăng chưa tính hết được hiệu qủa kinh tế đem lại cho nông dân”.
Nhà báo Lê Quốc Hưng dẫn lại quan điểm của các chuyên gia hàng đầu, đó là con tôm đang là tiềm năng lớn cho ĐBSCL nhưng việc thiếu quy hoạch đã khiến cho việc nuôi tôm trở thành rủi ro.
“Đã đến lúc đưa lũ trở lại vào ruộng vườn một cách chủ động nhằm khai thác triệt để các lợi ích từ lũ, lấy nước ngọt bổ cập nước ngầm, giữ gìn đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thuỷ sản, xem nước măn, nước lợ là tài nguyên. Thuận thiên chính là điều cần thiết để biến nguy thành cơ. Lấy thuỷ sản làm gốc, đặc biệt là con tôm để ĐBSCL có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững”, nhà báo Lê Quốc Hưng kiến nghị.
Kinh nghiệm quý từ quốc tế
Tham gia hội thảo, bà Madhu Raghunath - Trưởng nhóm phát triển bền vững ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, ĐBSCL đóng một vai trò quan trọng đối với những thành công về kinh tế và xã hội Việt Nam. ĐBSCL hiện là nơi sinh sống của 20 triệu người, cung cấp một nửa sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 1/3 GDP Việt Nam. Đây là một trong những khu vực màu mỡ nhất thế giới. ĐBSCL có cơ hội để tiếp tục đóng góp cho thành công nghị trình phát triển Việt Nam và là đầu tàu trong quá trình chuyển đổi kinh tế của khu vực này thành một khu vực có năng suất cao hơn, đổi mới hơn và thích ứng hơn với biến đổi khí hậu.
Cũng theo bà Madhu Raghunath, các đối tác phát triển đang hỗ trợ hoạt động quy hoạch cấp vùng của Chính phủ Việt Nam để đảm bảo con đường phát triển bền vững và thích ứng với khí hậu sẽ trở thành hiện thực đối với ĐBSCL... Quy hoạch này là bước đột phá thực sự vì giải quyết được tình trạng có quá nhiều quy hoạch ngành liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL, đôi khi chồng chéo và mâu thuẫn. Quy hoạch này tạo nền tảng để hiện thực hoá việc chuyển đổi mô hình phát triển của ĐBSCL.
Trong khi đó, ông Robert Moree - Điều phối viên chương trình đồng bằng, cố vấn chính của Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và quản lý nước Hà Lan đã mang đến hội thảo những kinh nghiệm quý giá trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở Hà Lan cũng như đưa ra các cảnh báo đối với ĐBSCL.
Theo ông Robert Moree, thách thức lớn nhất đến từ tác động của con người như tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nông nghiệp; mất đa dạng sinh học; khí hậu toàn cầu nóng lên; suy giảm nguồn nước; ô nhiễm.
“Ở Hà Lan có kế hoạch đồng bằng trong đó có luật về đồng bằng; kế hoạch đồng bằng; quỹ đồng bằng. Nhằm bảo vệ Hà Lan khỏi lũ lụt, chống sói mòn, triển khai hệ thống đường thủy tốt, cung cấp lượng nước sạch và nước bề mặt chất lượng cao, duy trì hệ thống đê, cống và các công trình thuỷ lợi khác và cung cấp hỗ trợ cơ cấu. Học được gì từ Hà Lan? Kết nối an toàn nước với tự nhiên, không đóng kín hoàn toàn các dòng nước; kết nối an toàn nước và thuỷ sản; kết nối quản lý dòng nước với nông nghiệp và hậu cần; kết nối nguồn cung của nước với tăng dân số; kết nối chất lượng nước với nông nghiệp, công nghiệp và con người; kết nối giảm nhẹ biến đổi khí hậu với nước và giao thông...”, ông Robert More cho biết.
Với ĐBSCL, thách thức chính nước biển dâng 2m vào năm 2100; sụt lún từ 2 - 4cm mỗi năm; phù sa mất tới 93%; trung bình ĐBSCL sẽ chênh 80cm so với mực nước biển... đây là lúc thích ứng. Việt Nam hiện nay đã có kế hoạch thích ứng như giảm sử dụng nước ngầm để chống sụt lún; nông nghiệp thích ứng; thích ứng với xâm nhập mặn; giảm canh tác lúa 3 vụ.