Tạo động lực phát triển kinh tế
Không chỉ vậy, việc phân cấp, ủy quyền đã góp phần giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt. Từ tháng 9/2022 đến kỳ họp HĐND TP tháng 9/2023, có 14 quận, huyện, thị xã (gồm 7 quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân; 7 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì, Thường Tín, Sơn Tây) đã đề xuất và được HĐND TP chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư 55 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp TP với tổng kinh phí hơn 22,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 45 dự án, với kinh phí là hơn 18,9 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, về cơ bản, việc thực hiện phân cấp trong 16 ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, gồm: quản lý đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; thoát nước đô thị và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón, trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; cấp nước sạch; thủy lợi; đê điều; rừng; thông tin truyền thông; giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; văn hóa - thể thao, du lịch; y tế; quản lý các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; quản lý chợ…. là tương đối ổn định, nề nếp quy định phân cấp, ủy quyền được vận hành thông suốt từ cấp TP đến cơ sở.
Đối với 9 lĩnh vực điều chỉnh quy định phân cấp tại Đề án theo hướng phân cấp cho huyện, TP đã chuyển kinh phí hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ mới được phân cấp tương ứng với kinh phí dự kiến TP thực hiện theo phân cấp. Cụ thể: Hỗ trợ mục tiêu đầu tư xây dựng, cải tạo trường trung học phổ hơn 3.022,5 tỷ đồng; Hỗ trợ mục tiêu đầu tư công chợ theo quy định là 160 tỷ đồng; Hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn 3 xã của huyện Ba Vì là 160 tỷ đồng. Các đơn vị đã khẩn trương thực hiện bàn giao, tổ chức bộ máy, biên chế và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp.
Về việc thực hiện phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách đã tạo động lực phát triển kinh tế huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo tính chủ động đồng bộ trong quản lý điều hành ngân sách trên toàn địa bàn TP, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế các địa phương, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã khuyến khích các quận, huyện, thị xã phấn đấu tăng thu ngân sách để có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ công, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp; khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế xã hội.
Điểm nổi bật nhất của Đề án là việc ủy quyền thủ tục hành chính. Đến nay, TP có phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính gồm 708/1.895 thủ tục hành chính, đạt 37,36%. Mục tiêu tại Đề án là phấn cấp, ủy quyền ít nhất 20% tổng số thủ tục hành chính, trừ thủ tục hành chính đang quy định ở cấp xã. Ngoài ra, UBND TP đã phê duyệt quy trình nội bộ 574 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn có khó khăn, vướng mắc khi xác định thẩm quyền ủy quyền đối với nhóm thủ tục hành chính ủy quyền do các luật còn chưa thống nhất và quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Việc này, UBND TP đã báo cáo, xin ý kin ý kiến Bộ Nội vụ và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên hợp lý
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, thời gian tới, các quận, huyện, thị xã khi được phân cấp mạnh mẽ cần nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của mình để có cân đối nguồn lực, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên hợp lý, đúng đắn, tổ chức thực hiện hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và đóng góp cho TP nói chung.
Tiếp tục rà soát, xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, tăng cường đào tạo cán bộ gắn với phương án phân cấp ủy quyền và giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ những nội dung mới được quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như: phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); việc triển khai các dự án BT nói chung và đối với công trình văn hóa nói riêng; các nhiệm vụ dự kiến Trung ương phân quyền cho TP Hà Nội…
TP thực hiện kỷ luật, kỷ cương ngân sách, nguyên tắc của phân cấp: “Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm”. Các quận, huyện, thị xã ưu tiên thực hiện nhiệm vụ đã được phân cấp trước khi thực hiện các nhiệm vụ của TP bằng nguồn ngân sách cấp huyện trong khả năng cân đối.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết đề xuất của các quận, huyện, thị xã đề xuất thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư của từng dự án xây dựng mới, cải tạo sửa chữa các trường trung học phổ thông được phân cấp đầu tư cho cấp huyện phù hợp với chỉ tiêu, tiêu chuẩn của ngành, với yêu cầu đảm bảo hiệu quả, không lãng phí nguồn lực.