Tích cực trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân vận Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Đình Cẩn cho biết, ngay sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực 1/7/2023, toàn huyện đã tổ chức 23 hội nghị quán triệt, trong đó có 1 hội nghị cán bộ chủ chốt, 234 hội nghị tuyên truyền với gần 30.000 lượt cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân tham gia.
Công tác kiểm tra, giám sát được Huyện ủy Đan Phượng chú trọng. Từ tháng 1/2023 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm tra 1 cuộc với 3 tổ chức đảng và 3 đảng viên; 3 cuộc giám sát với 12 tổ chức đảng và 22 đảng viên. Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tiến hành 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức đảng và 6 đảng viên; tổ chức 1 cuộc giám sát chuyên đề với 5 tổ chức đảng và 5 đảng viên. Chỉ đạo các cấp ủy cơ sở kiểm tra 46 lượt tổ chức đảng và 38 đảng viên; giám sát 64 lượt tổ chức đảng với 51 đảng viên.
Thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, huyện đã thực hiện 11 nội dung công khai để Nhân dân biết. Hàng năm, việc tổ chức hội nghị đại biểu Nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa ở 129/129 thôn, phố, cụm dân cư và 16/16 xã, thị trấn được thực hiện nghiêm túc với tỷ lệ đại diện hộ gia đình dự đạt trên 83%, bình quân có 400 lượt ý kiến tham gia.
Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, các xã, thị trấn đã tiếp 1.115 lượt công dân; tiếp nhận 37 đơn thư khiếu nại, tố cáo (tỷ lệ giải quyết đạt 94%). Toàn huyện tổ chức 72 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với hơn 6.000 lượt người dự, tổng số 278 lượt ý kiến, trong đó, trả lời trực tiếp đạt 96% các ý kiến tại hội nghị.
Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được chú trọng. Từ tháng 1/2023 đến nay, Ban Thanh tra Nhân dân đã giám sát 144 vụ, qua đó phát hiện 12 vụ vi phạm, tiếp nhận 32 kiến nghị, phản ánh; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 104 dự án, qua đó phát hiện 4 dự án có sai phạm đã kịp thời kiến nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục. Phối hợp giám sát lĩnh vực khác 122 lượt.
Bên cạnh đó, hoạt động của 145 tổ hòa giải phát huy hiệu quả. Năm 2023, các tổ đã hòa giải thành 72/78 vụ việc, đạt 82,75%. Toàn huyện hiện có 787 tổ tự quản, 129 Tổ dân vận thôn, phố, cụm dân cư do Bí thư chi bộ làm tổ trưởng với 1.450 thành viên làm nòng cốt và trực tiếp vận động Nhân dân.
Đáng chú ý, thực hiện QCDC trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, GPMB, thu hồi đất, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức họp để tuyên truyền, vận động người dân trong diện có đất bị thu hồi, thông báo công khai các quy hoạch, chỉ giới giải phóng mặt bằng, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thị trấn để người dân tham gia ý kiến. Do đó, người dân phối hợp, đồng thuận trong thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. UBND huyện đã ban hành 2.555 thông báo thu hồi đất để thực hiện 55 dự án, 1.939 quyết định thu hồi đất của 37 dự án trên địa bàn huyện với diện tích 83,09ha của 2.059 lượt hộ gia đình, cá nhân và tổ chức...
Tạo đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ
Phát biểu kết luận cuộc kiểm tra, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, chu đáo của Huyện ủy Đan Phượng. Theo đó, nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, huyện đã thực hiện thành công nhiều dự án lớn của T.Ư, TP trên địa, tiêu biểu là Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Đồng thời, đề nghị huyện bổ sung thêm số liệu, những cách làm hay, những mô hình tốt huyện đã thực hiện để có thể triển khai nhân rộng.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy cũng yêu cầu huyện tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở, vận động người dân tham gia cũng như đi sâu đánh giá, phân tích những tồn tại, hạn chế để phát huy hơn nữa hiệu quả việc thực hiện trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đề nghị huyện Đan Phượng tiếp tục thực hiện nghiêm việc thực hiện QCDC, có thể xây dựng cẩm nang để tra cứu, tuyên truyền. Thực hiện tốt chỉ đạo của Thành ủy về công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Ngoài ra, phát huy dân chủ, tạo đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Quan tâm xây dựng và thực hiện tốt quy chế QCDC ở cơ sở trong công tác GPMB, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh huyện đang phát triển, đô thị hóa nhanh, không để phát sinh sai phạm…