Thực hư Nga phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 trong 2 tuần tới?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - CNN dẫn nguồn tin riêng cho biết, Nga dự định là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 8 tới, kéo theo những lo ngại về an toàn và hiệu quả của liệu pháp đang rất được mong đợi này.

Các quan chức Nga nói với CNN rằng họ đang hướng mục tiêu đến ngày 10/8 tới hoặc sớm hơn để phê duyệt 1 loại vaccine ngừa Covid-19, được tạo ra bởi Viện Gamaleya có trụ sở tại Moscow. Nó được cho sẽ được chấp thuận sử dụng cho cộng đồng, các nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm đầu tiên.
Thực tế đến nay Moscow chưa công bố bất cứ dữ liệu khoa học về thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19, và CNN cũng không thể xác minh tính an toàn hoặc hiệu quả của liệu pháp được tuyên bố này.
Trong khi một số loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng trên thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vaccine của Nga được cho vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 2. Các nhà phát triển có kế hoạch hoàn thành giai đoạn này trước ngày 3/8, và sau đó tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 song song với việc tiêm phòng cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các binh sĩ Nga từng là tình nguyện viên trong các thử nghiệm lâm sàng. Các nguồn tin của CNN còn cho biết thêm rằng, Alexander Ginsburg - giám đốc của dự án, tiết lộ đã tự tiêm vaccine cho mình.
CNN dẫn lời các nhà khoa học Nga nói rằng, vaccine đã nhanh chóng phát triển vì đây là phiên bản sửa đổi của một loại đã được tạo ra để chống lại các bệnh khác. Đó là cách tiếp cận đang được thực hiện ở nhiều quốc gia và các công ty khác.
Chẳng hạn, vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna, đang được Chính phủ Mỹ hỗ trợ và đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 hôm thứ 2 vừa qua, cũng đã được tạo ra trên nền của một loại vaccine ngừa dịch hô hấp cấp MERS. Các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu đang yêu cầu bổ sung đầy đủ các xét nghiệm về tính an toàn và hiệu quả của vaccine.
Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ tài sản có chủ quyền của Nga, đang tài trợ cho nghiên cứu vaccine của nước này, đã ví bước tiến mới với sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh vệ tinh đầu tiên của thế giới vào năm 1957.
"Người Mỹ đã rất ngạc nhiên khi họ nghe thấy tiếng 'bíp' của Sputnik. Nó cũng giống với loại vaccine này. Nga sẽ đến đích trước", ông Dmitriev nói với CNN, nhưng đồng thời lưu ý rằng "điều các nhà khoa học của chúng tôi tập trung không phải là việc trở thành người đầu tiên, mà là việc bảo vệ con người".
Các quan chức Nga nói rằng loại vaccine này đang được theo dõi và thúc đẩy phê duyệt vì đại dịch nguy cấp trên toàn cầu và vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng của chính Nga. Đất nước này hiện đã xác nhận hơn 800.000 trường hợp dương tính.
Đầu tháng này, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc các điệp viên Nga đã đột nhập vào phòng thí nghiệm nghiên cứu của Mỹ, Canada và Anh để đánh cắp bí mật phát triển vaccine ngừa Covid-19. Các quan chức Nga cũng phủ nhận các báo cáo về giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của đất nước, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, đã được cấp quyền truy cập sớm vào vaccine.