[Thuốc&Sức khỏe] Phục thần - vị thuốc an thần

Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong y học cổ truyền, phục thần dường như là một lựa chọn cho bài thuốc cần cho việc an thần (yên thần phách, chữa sợ hãi, mất ngủ), nâng cao sức khỏe của người bệnh. Đây là vị thuốc quý hiếm được coi là linh dược ẩn nấp dưới rễ thông (phục linh) hay thần dược (phục thần, là phục linh ôm rễ thông ở giữa).

Phục thần có tên khoa học: Poria cocos (Pachyma hoelen); thuộc họ Nấm lỗ (Polyporaceae). Phục thần có vỏ ngoài màu nâu hoặc nâu đen, hình dạng sần sùi, có khi xuất hiện các phần bướu, mặt cắt có chứa chất bột màu trắng đục hoặc vàng ngà, phần giữa có rễ thông xuyên qua.

Phân biệt phục thần với các vị thuốc khác trong nấm phục linh:

Phục linh bì: Lớp ngoài nấm phục linh, tương đối xốp, mặt ngoài có màu nâu hoặc nâu đen, mặt trong có màu trắng hoặc nâu nhạt.

Xích phục linh: Lớp thứ hai sau Phục linh bì, có màu nâu nhạt hoặc hơi hồng.

Bạch phục linh: Phần bên trong có màu trắng.

Phục thần: Phần nấm phục linh ôm đoạn rễ thông bên trong. Khá nhiều người nhầm lẫn phục thần và bạch phục linh. Phục thần bị rễ thông đâm xuyên qua, nằm sâu dưới mặt đất khoảng 20 - 30cm. Phục thần được tìm thấy Vân Nam (Trung Quốc); ở Việt Nam tìm thấy tại các khu rừng thông TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Giang…

Trong phục thần có chứa: Đường; chất khoáng; hợp chất Triterpenoid.

Theo Đông y, phục thần có vị ngọt nhạt, tính bình, không độc; quy vào các kinh Tâm, Vị, Phế, Thận, Tỳ; có các tác dụng: Dưỡng tâm, bổ tỳ, lợi tiểu, trị suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể, trị di mộng tinh, định tâm an thần…

Phục thần chủ trị: Mất ngủ, dưỡng thần; hoạt huyết; bổ phế, tâm, thận, tỳ; lợi tiểu, trị thủy thũng.

Nhiều bài thuốc trong đó có dùng phục thần để ninh tâm, an thần. Điển hình là bài Quy tỳ thang: Táo nhân (sao đen) 12g, nhân sâm 12g, bạch truật (sao vàng) 12g, chích hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, long nhãn 12g, mộc hương 8g, phục thần 12g, viễn chí 12g, chích cam thảo 8g, đại táo 5 trái. Bài thuốc này được làm hoàn mềm.

Đây là bài thuốc dùng chữa cho những người thuộc dạng bệnh: Tâm Tỳ lưỡng hư với các triệu chứng: Hư yếu, thể lực bị giảm sút, sắc mặt kém, thiếu máu, tinh thần bất an, đánh trống ngực dồn dập, hay quên, đêm ít ngủ, lo nghĩ vẩn vơ; hoặc bị sốt, đổ mồ hôi trộm, chân tay mệt mỏi, đại tiện có chiều hướng khó; ở phụ nữ thì kinh nguyệt thất thường; ở đàn ông thường bị chứng dương nuy, xuất tinh sớm... Quy tỳ thang còn thích hợp dùng cho người lao động trí óc quá độ làm hao tổn tâm tỳ gây nên các chứng đánh trống ngực kinh sợ, hồi hộp, lú lẫn, hay quên.

Ngày nay đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các quy mô khác nhau dùng Quy tỳ thang để điều trị chứng mất ngủ, chứng thiểu năng tuần huần não, chứng thiếu máu…

Trong bài thuốc, nhân sâm có tác dụng bổ khí sinh huyết, dưỡng tâm ích tỳ; long nhãn bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần; hoàng kỳ, bạch truật giúp nhân sâm ích khí kiện tỳ; đương quy dưỡng huyết bổ tâm; phục thần, viễn chí, táo nhân để ninh tâm, an thần; mộc hương để lý khí tĩnh tỳ, phối hợp với thuốc bổ khí dưỡng huyết làm cho bổ mà không nê trệ ở vị; cam thảo ích khí bổ trung, điều hòa các vị thuốc.

Như vậy, bài thuốc này có ba vị: phục thần, viễn chí, táo nhân giúp ninh tâm, an thần. Đây cũng là điều độc đáo của phương thang y học cổ truyền, bài thuốc giúp hồi phục, nâng cao sức khỏe của người bệnh kể cả thể chất lẫn tinh thần (tâm bệnh).

Do phục thần là vị thuốc quý hiếm nên có nhiều đồn thổi về nó. Gần đây trên mạng xã hội nói nhiều về loại nấm “phục linh thiên” có trên cây thông (không phải dưới rễ) chữa được nhiều bệnh trong đó có ung thư. Đây là điều chưa được minh chứng, người bệnh cần thận trọng trong việc mua và dùng.