Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thượng đỉnh hòa bình Ukraine chưa thể diễn ra vì thiếu “tiếng nói” của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo hãng tin Bloomberg, một số quốc gia bày tỏ mong muốn sự có mặt của Nga trong các cuộc đàm phán về hòa bình cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd  tham dự cuộc họp báo hôm 15/1 tại Davos. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd  tham dự cuộc họp báo hôm 15/1 tại Davos. Ảnh: Reuters

Bloomberg cho biết, hội nghị thượng đỉnh cấp cao về Ukraine có thể sẽ bị hoãn lại trong vài tháng do chưa nhận được các cam kết của nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Theo hãng tin Mỹ, Kiev kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine sẽ được tổ chức vào tháng 3, song nhiều khả năng cuộc họp thượng đỉnh này sẽ bị hoãn sang tháng 4 hoặc tháng 5. Bloomberg cũng nói thêm rằng một số quốc gia đã nói rằng họ muốn thấy Nga trên bàn đàm phán.

Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Thụy Sĩ đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine theo yêu cầu của Tổng thống Volodymir Zelensky, nhưng chưa ấn định thời gian và địa điểm cụ thể. 

Ukraine đang nỗ lực duy trì sự ủng hộ quốc tế giữa lúc các đồng minh phương Tây có dấu hiệu mệt mỏi vì cuộc xung đột sau khi chiến dịch phản công từ tháng 6/2023 của Kiev thất bại. Tình hình chiến tuyến gần như không thay đổi và cuộc xung đột ở Dải Gaza khiến dư luận toàn cầu chuyển hướng quan tâm.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa khẳng định, Moscow sẵn sàng chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách hòa bình, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Kiev mong muốn điều này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

"Người dân ở Donbass đã quay sang Nga với tư cách là bên bảo lãnh. Chúng tôi đã chuyển từ các công cụ giải quyết hòa bình sang hoạt động mang tính quân sự, nhưng sau đó Nga cũng tìm cách chấm dứt xung đột một cách hòa bình và đã đồng ý về các giới hạn ở Istanbul" - Tass dẫn phát biểu của Tổng thống Putin khi trả lời phỏng vấn báo chí Nga hôm 18/2.

Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý thêm: “Cuộc xung đột lẽ ra đã chấm dứt từ một năm rưỡi trước nếu Ukraine không theo đuổi lập trường của phương Tây. Nhưng họ (chính phủ ở Ukraine) không muốn điều đó. Tôi không biết bây giờ họ còn muốn hay không, nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng đối thoại".

Tổng thống Putin khẳng định, Nga đã chấp nhận Thỏa thuận Minsk, kỳ vọng các đối tác của mình sẽ tuân thủ và "cố gắng thực hiện các điều khoản dù chúng có phức tạp đến mức nào đối với cả hai bên", đối với Ukraine và Donbass.

Theo Tổng thống Putin, phía Nga đã nỗ lực "thuyết phục người dân sống ở vùng Donbass chấp nhận những thỏa thuận đó". "Chúng tôi sẽ tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, phía bên kia không làm vậy, thậm chí lãnh đạo đương nhiệm của Ukraine đã tuyên bố rằng họ không thích Thỏa thuận Minsk" - ông Putin nhấn mạnh.

Hòa đàm giữa Nga và Ukraine đã đình trệ kể từ cuối tháng 3/2022. Moscow cho biết, trong vòng đàm phán cuối cùng diễn ra hôm 29/3/2022 tại thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), hai bên đã gần đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột, song Kiev đã đổi ý vào phút chót, hủy bỏ dự thảo thỏa thuận.

Năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Moscow sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột bằng giải pháp ngoại giao, trong khi chính quyền Kiev thông qua sắc lệnh cấm đàm phán với Nga.

Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014.

Trong khi đó, giới chức Ukraine khẳng định đàm phán hòa bình chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra vào tháng 11/2022.