Thành lập 61 mô hình ở 20 xã
Thượng tá Đào Phương Đông - Phó trưởng Công an huyện Thường Tín chia sẻ: "Mục tiêu đến hết tháng 6/2023 huyện “Phủ sóng” mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” tới các xã. Tuy nhiên, Công an huyện phấn đấu rà soát khu dân cư, ngõ nhỏ, sâu, xe chữa cháy khó tiếp cận, không đảm bảo PCCC để triển khai mô hình xong trong tháng 5 này.
Để từ đây nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC&CNCH, chủ động hơn trong việc chuẩn bị các phương án thoát nạn, tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH tại gia đình, hình thành thói quen chủ động, sẵn sàng trong công tác PCCC, có khả năng xử lý các tình huống cháy, nổ ban đầu".
Tính đến nay, huyện Thường Tín đã có 61 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” được ra mắt ở 20 xã, thị trấn: Khánh Hà, Hòa Bình, Tiền Phong, thị trấn Thường Tín… Những mô hình này khi được triển khai giúp phát huy được tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình ở khu dân cư, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể thực hiện PCCC.
Tham gia mô hình, mỗi hộ dân được hỗ trợ trang thiết bị bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí CO2) và tối thiểu một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa...); được bố trí chuông báo cháy phía ngoài nhà. Hệ thống báo cháy của hộ gia đình được liên kết với nhau để khi xảy ra sự cố cùng phối hợp xử lý.
Cùng với đó, các gia đình tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC” còn có nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCC cho người dân và các hộ có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, chủ động ứng phó với các sự cố cháy, nổ tại chỗ một cách nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại.
Tổ dân phố Vồi, thị trấn Thường Tín là khu dân cư đầu tiên của huyện ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Tham gia mô hình có 10 hộ gia đình liền kề nhau do ông Hoàng Đức Xuân làm tổ trưởng. Kinh phí đầu tư trang bị các thiết bị, hệ thống PCCC cho mỗi hộ gia đình hết khoảng 1,3 triệu đồng.
Mô hình được thực hiện thí điểm nên các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, chỉ phải đóng góp xã hội hóa một phần. Có hệ thống, thiết bị PCCC, cứu hộ, cứu nạn và được hướng dẫn cách sử dụng, xử trí khi có tình huống cháy, nổ xảy ra nên người dân yên tâm hơn.
“Mới thành lập từ đầu tháng 4/2023 đến nay, tuy nhiên, các gia đình cũng ý thức hơn, thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC như bố trí mặt bằng, hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn PCCC; sắp xếp vật dụng, thiết bị, chất dễ gây cháy gọn gàng, không cản trở đường và lối thoát nạn” - ông Xuân chia sẻ.
Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín Nguyễn Văn Học cho biết: "Do thị trấn có đến trên 2.000 hộ gia đình ở 4 TDP với rất nhiều các khu dân cư, khu tập thể ngõ nhỏ có nhiều gia đình kết hợp nơi ở để kinh doanh. Do vậy, nhiều năm qua địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, diễn tập PCCC giúp ngăn ngừa không xảy ra cháy nổ".
Tạo thành phong trào
Để mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, UBND xã Khánh Hà là một trong những xã làng nghề đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho tổ trưởng, tổ phó, các thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chi bộ khu dân cư, sự quản lý điều hành của tổ trưởng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng Công an.
Thôn Khánh Vân, xã Khánh Hà có nhiều hộ gia đình làm nghề mộc, cơ khí, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Chính vì thế, khi huyện triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, UBND xã đã tích cực vận động người dân tham gia, qua đó mong muốn sức mạnh liên gia sẽ không dừng ở phòng, chống “giặc lửa” mà bao hàm công tác bảo đảm ANTT, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
UBND xã Khánh Hà đặt ra yêu cầu của mô hình là phát huy tính xã hội hóa, tính tự lực của mỗi gia đình trong trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy. Khi đã có phương tiện như bình bọt, chăn chiên... thôn Khánh Vân trang bị thiết bị báo cháy, báo sự cố giữa các hộ liên gia và được cán bộ PCCC tập huấn, hướng dẫn kỹ năng với chính thiết bị người dân mua sắm.
Phương tiện sẵn sàng, kỹ năng được thường xuyên bồi dưỡng, nên ý thức trách nhiệm phòng ngừa của mỗi người dân ngày càng được nâng lên. Với 10 hộ gia đình tại thôn Khánh Vân - xã Khánh Hà thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” là cơ sở huy động sức mạnh tổng thể từ quần chúng Nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.
Ông Tô Xuân Tư, tổ trưởng “Tổ liên gia an toàn về PCCC” thôn Khánh Vân vui mừng lạc quan nói về mô hình liên kết các gia đình trong công tác PCCC. Việc ra đời mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” đã đáp ứng được mong mỏi của nhiều người dân trước thực trạng các vụ cháy nổ xuất hiện ngày càng nhiều.
Trung tá Nguyễn Hoàng Thành - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Thường Tín) nhấn mạnh: "Hỏa hoạn là nỗi lo lắng, ám ảnh của mỗi người vì hậu quả của nó để lại không thể lường trước được. Bởi vậy, chủ động PCCC tại chỗ ngay từ khu dân cư là điều thiết yếu.
Hiểu rõ điều này, huyện Thường Tín đã thành lập tổ liên gia an toàn PCCC tại các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Công an. Việc thành lập tổ liên gia thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và lực lượng Công an đối với người dân trong công tác PCCC.
Chúng tôi rất vui khi những kiến thức về PCCC&CNCH được người dân tiếp thu, áp dụng thành công. Đồng thời mong muốn, hiệu quả từ việc thực hiện mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện".
Hiện nay, các vụ cháy nổ xảy ra tại khu dân cư và nhà ở riêng lẻ có xu hướng gia tăng, đặc biệt các khu dân cư trong ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận được, trong khi ở đó các điều kiện an toàn PCCC không đảm bảo.
“Tổ liên gia an toàn PCCC được triển khai vững chắc và phát huy hiệu quả tại các xã, thị trấn là cơ sở để thời gian tới tiếp tục nhân rộng, lan toả mô hình đến các xã còn lại trên toàn huyện, tạo môi trường ổn định, phục vụ nhiệm vụ phát triển chung của địa phương…” - Thượng tá Đào Phương Đông - Phó trưởng Công an huyện Thường Tín khẳng định.