Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường trực Thành uỷ Hà Nội đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cùng nông dân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/12, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì Hội nghị Đối thoại giữa Thường trực Thành uỷ với đại biểu Hội Nông dân TP về thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ.

Tham dự cuộc đối thoại còn có Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, đại diện các sở, ban ngành, quận, huyện, thị xã, đặc biệt là 150 đại biểu đại diện cho các DN, hợp tác xã, nông dân Thủ đô tiêu biểu.
Băn khoăn làm “nóng” đối thoại 
Đề cập tới một trong những khó khăn hiện nay liên quan tới bài toán hạ tầng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Thế Kiên cho rằng, hệ thống kênh mương do các DN thủy lợi quản lý đang nảy sinh nhiều bất cập trong điều tiết tưới tiêu, ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Do đó, TP cần sớm có biện pháp khắc phục, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Cho rằng người nông dân vẫn khó khăn trong việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp do giá trị tài sản thế chấp của nông dân được định giá quá thấp so với thực tế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) Dương Quang Vinh đề nghị Ngân hàng Nhà nước và TP nghiên cứu, tháo gỡ, tạo điều kiện để các chủ thể thuận lợi hơn trong vay vốn tín dụng sản xuất nông nghiệp.
 Giám đốc Hợp tác xã Đông Cao (huyện Mê Linh) Vũ Văn Kỳ phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại
Song hành với sản xuất, nhiều DN, HTX cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Đông Cao (huyện Mê Linh) Vũ Văn Kỳ cho rằng, công tác dự báo nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm hiện còn hạn chế. Cũng bởi vậy, các DN, HTX, hộ nông dân chưachủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, dẫn đến hiện tượng “được mùa mất giá”.
Để đa dạng hoá nguồn thu nhập cho người nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) Phùng Văn Thư kiến nghị TP tiếp tục quan tâm đếncông tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phối hợp đào tạo theo đề án, dự áncó sự tham gia của các DN...Cũng liên quan tới thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh đề nghị TP cầncó cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích đầu tư mở rộng các khu, cụm công nghiệp vàlàng nghề truyền thống để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động...
Nhiều vướng mắc được tháo gỡ 
Tại cuộc đối thoại, đại diện các sở ngành đã trực tiếp giải đáp toàn bộ 5 nhóm vấn đề chính được đại biểu DN, HTX, người nông dân nêu. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trên cơ sở 4 nghị định của Chính phủ, trong những năm qua, TP đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là các chính sách cụ thể về phát triển hạ tầng kỹ thuật tại những vùng chuyên canh tập trung, hỗ trợ vay vốn dự án ứng dụng công nghệ cao, phân cấp hỗ trợ liên kết hợp tác… 
Đối với bất cập trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, ông Chu Phú Mỹ thừa nhận đang có những khó khăn nhất định. Nguyên nhân là bởi Hà Nội hiện có tới gần 2.000 trạm bơm, và rất nhiều trong số đó đang xuống cấp nghiêm trọng, cần tu sửa nhưng thiếu nguồn lực, nhân lực để thực hiện. “Sở NN&PTNT đã có đề xuất TP tăng kinh phí duy tu sửa chữa các công trình thuỷ lợi, nhằm bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất cho người nông dân…” – ông Chu Phú Mỹ thông tin. 
 23 ý kiến tại cuộc đối thoại đã được đại diện các sở, ban ngành giải đáp trực tiếp tại cuộc đối thoại
Giải đáp ý kiến của đại biểu về phát triển khu cụm công nghiệp làng nghề, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện, TP đã thành lập 70 cụm công nghiệp tại 17 quận, huyện, thị xã. Dự kiến theo quy hoạch từ này đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ có 159 cụm công nghiệp. Sở cũng sẽ đẩy mạnh đề xuất TP thông qua dự thảo hỗ trợ xây dựng các cụm công nghiệp. 
Về dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản cho người nông dân, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt. Hàng tháng, Sở có báo cáo về thị trường các mặt hàng nông sản để định hướng cho người nông dân chủ động sản xuất. Dù vậy, ông Hải cho rằng, về lâu dài, TP cần tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất và phát triển chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị nông sản. 
Xung quanh đề xuất thúc đẩy đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, từ năm 2010 – 2019, TP đã đào tạo nghề cho trên 208.000 người. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trung bình trên 80%. “Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu TP đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với vùng chuyên canh, tập trung với sự tham gia của DN, HTX nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới…” – ông Dân cho biết thêm. 
Tăng đối thoại, gỡ khó cùng nông dân  
Với 24 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, cuộc đối thoại có ý nghĩa quan trọng. Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Nông sản của Hà Nội đã dần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đối với kết quả đó, vai trò của người nông dân là rất lớn. 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng tới xuất khẩu. 
 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại cuộc đối thoại 
Phát biểu kết luận cuộc đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, những băn khoăn trăn trở của các DN, HTX cùng đông đảo bà con nông dân cũng là vấn đề mà TP đang tập trung tháo gỡ. Tâm tư, tiếng nói, nguyện vọng từ cơ sở là cơ hội để TP tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ. 
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định tính nhất quán nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân có ý nghĩa quan trọng trong kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị tại địa phương, đáp ứng mong mỏi của mọi người dân. Nhờ đó, TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực.Tuy nhiên, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhưng khó khăn hạn chế, tồn tại như các đại biểu đã nêu tại cuộc đối thoại. 
Nhấn mạnh năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều mục tiêu nhiệm kỳ cần phấn đấu hoàn thành, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ban ngành, các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình số 02-CTr/TU. 
 Thường trực Thành uỷ chụp ảnh kỷ niệm với đại biểu tham dự cuộc đối thoại 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị lãnh đạo các huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường đối thoại với các DN, HTX và đặc biệt là người nông dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nông dân, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, khuyến khích liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung…
Đối với các cấp hội nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời, tích cực giải quyết vướng mắc của người nông dân được nêu tại cuộc đối thoại. 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị các sở, ban ngành cần rà soát, đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách đang thực hiện để có đề xuất phù hợp với thực tiễn, báo cáo HĐND TP hoàn thiện để cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống…