Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TAND TP Hồ Chí Minh:

Tỉ lệ giải quyết án phá sản cao

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/12, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh (TAND TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chuyên môn năm 2023, triển khai công tác năm 2024.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh ông Nguyễn Văn Nên, cùng nhiều lãnh đạo ngành tòa án các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá TAND 2 cấp TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nổi bật như công tác xét xử đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội; xét xử trực tuyến thành công hơn 2.500 phiên tòa…tỷ lệ giải quyết án phá sản cao (đạt 60,9%).

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng các lãnh đạo dự Hội nghị triển khai công tác năm 2024. Ảnh: Báo Công Lý 
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng các lãnh đạo dự Hội nghị triển khai công tác năm 2024. Ảnh: Báo Công Lý 

Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, án phá sản là loại án rất khó và phức tạp trong công tác xét xử. Trong khi đó, với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm cách thức giải quyết, xét xử những vụ án này.

Kết quả xử lý những vụ án phá sản của TAND TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ sở quan trọng khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND đang được nghiên cứu.

Trong đó, TAND tối cao đã đề xuất thành lập các tòa án chuyên biệt bao gồm Tòa án chuyên biệt về phá sản. Công tác xét xử trực tuyến cũng là điểm sáng của ngành Tòa án TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, công tác xét xử các vụ án tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh theo dõi, chỉ đạo của TAND TP rất tốt.

Các bản án được sự đồng thuận của dư luận, đúng người, đúng tội, thu hồi được số lượng lớn tài sản bị chiếm đoạt.

Các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như vụ án Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Rửa tiền;” vụ án Hoàng Thị Thúy Nga và đồng phạm về tội “Vi phạm các quy định về đấu thầu;” vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Chánh án TAND tối cao cũng đề nghị thời gian tới, TAND TP Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ để có thêm nhiều thẩm phán đủ tầm xét xử những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi chỉ đạo; tìm giải pháp xử lý những vụ án tồn đọng, quá hạn; kéo giảm tỷ lệ án hủy, sửa xuống mức thấp nhất…

Trong quá trình công tác, các thẩm phán của TAND 2 cấp TP Hồ Chí Minh phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, giữ kỷ cương, kỷ luật, giữ gìn phẩm chất thanh liêm, bám sát quy định của Bộ Chính trị mới ban hành về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Năm, TAND hai cấp TP Hồ Chí Minh thụ lý 67.685 vụ việc, đã giải quyết 58.181 vụ việc, đạt 85,96%. Trong đó, án hình sự thụ lý 6.585 vụ việc, đã giải quyết 6.459 vụ việc, đạt 98,09%; án dân sự thụ lý 20.621 vụ việc, đã giải quyết 14.213 vụ việc, đạt 68,92%; án hôn nhân và gia đình (HNGĐ) thụ lý 25.882 vụ việc, đã giải quyết 24.923 vụ việc, đạt 96,29%;

Án kinh doanh thương mại, thụ lý 4.734 vụ việc, đã giải quyết 3.230 vụ việc, đạt 68,23%; án lao động thụ lý 1.168 vụ việc, đã giải quyết 1.047 vụ việc, đạt 89,64%; án hành chính thụ lý 1.139 vụ việc, đã giải quyết 755 vụ việc, đạt 66,29%.

So với cùng kỳ năm 2022, số vụ việc thụ lý giảm 688 vụ việc, giải quyết tăng 3.424 vụ việc, tỷ lệ giải quyết tăng 7%; tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,15%./.