Nhật Bản hiện phải đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ và tỷ lệ lạm phát cao, bị ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ bởi tác động của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Ở châu Phi, Nhật Bản vẫn bị tụt hậu so với Trung Quốc, EU và Ấn Độ trong việc khai phá thị trường và tranh thủ đối tác kinh tế, thương mại cho dù đã thiết lập được khuôn khổ diễn đàn TICAD từ cách đây gần 30 năm, có được bước thể chế hoá đầu tiên mối quan hệ hợp tác với các nước châu Phi trước tất cả các đối tác bên ngoài khác.
Trong khi các nước châu Phi vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bất an, bất ổn về chính trị, an ninh và xã hội, vẫn chậm bước trong phát triển kinh tế, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu trái đất và tác động tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt về cung ứng lương thực, khiến cho các nước châu Phi thêm khó khăn về kinh tế, thương mại và khó xử về chính trị mặc dù châu lục được các đối tác bên ngoài ganh đua tranh thủ quyết liệt.
Mục đích của Nhật Bản trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với các nước châu Phi về cơ bản không khác so với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ hay EU. Cũng vẫn chủ trương đầu tư trực tiếp khối lượng vốn lớn vào các dự án ở châu Phi, hợp tác chuyển giao công nghệ và mở cửa thị trường. Nhưng cách làm của Nhật lại khác.
Nhật Bản tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cho châu Phi và phát triển bền vững ở châu Phi, coi trọng chất lượng chứ không phải số lượng, tiếp nối các giai đoạn hợp tác với nhau để có lâu dài chứ không chỉ một lần, trong khuôn khổ TICAD chứ không riêng rẽ. Cuộc họp TICAD năm nay tạo động lực mới cho mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước châu Phi.