Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi từ 1/7/2024

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội khi thực hiện chế độ tiền lương mới là mức tiền lương cơ bản, phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đây là đề xuất của Bộ Nội vụ khi phản hồi Bộ LĐTB&XH về việc đánh giá tác động chính sách tiền lương mới đến thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Bộ Nội vụ đã có đề nghị tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội khi thực hiện chế độ tiền lương mới. Ảnh minh họa.
Bộ Nội vụ đã có đề nghị tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội khi thực hiện chế độ tiền lương mới. Ảnh minh họa.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương từ 5 nguồn, bao gồm: Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; Từ nguồn ngân sách Trung ương; Từ một phần nguồn thu sự nghiệp; Từ 10% tiết kiệm tăng chi thường xuyên; Từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.

Số liệu tính toán, cân đối cụ thể từ 5 nguồn nêu trên và nội dung chi khi cải cách chính sách tiền lương thuộc nhiệm vụ của Bộ Tài Chính. Vì thế, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ LĐTB&XH trao đổi với Bộ Tài chính về vấn đề này.

Cơ cấu tiền lương mới gồm có:

+ Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương);

+ Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản của năm, không bao gồm phụ cấp).

Trong đó đã nêu rõ: Thực hiện chế độ lương chức vụ (bỏ chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo); Thu hẹp đối tượng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề (chỉ còn áp dụng đối với quân đội, công an, cơ yếu).

Căn cứ quy định nêu trên và quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ đề nghị tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) khi thực hiện chế độ tiền lương mới tiếp tục quy định là mức tiền lương cơ bản (quy định 5 bảng lương mới), phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó nêu rõ về số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năn 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng.

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đảm bảo từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.