Tiến nhanh với xã hội số

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg năm 2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã đạt trên 75%.

Thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỷ đồng (tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị), cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Chia sẻ từ đại diện Visa, hiện nay cứ 10 giao dịch thì có 5 giao dịch thanh toán không tiếp xúc.

Thay vì tiền mặt, người dân có thể sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như ví điện tử (VNPay, MoMo, QR, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR)... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng qua tài khoản ngân hàng...

Thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến với mọi thành phần trong xã hội từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn… Các hình thức khuyến mại người sử dụng khá hấp dẫn. Họ được giảm tiền nếu đóng tiền điện, tiền dịch vụ viễn thông và rất nhiều thứ khác. Có thể thấy, thanh toán không tiền mặt giờ đây không chỉ phổ biến với mỗi thế hệ trẻ, mà nó đã hiện diện ở mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Thanh toán không sử dụng tiền mặt trở thành xu thế tất yếu và dự kiến sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn bởi nó mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cho cả người dân và nền kinh tế. Không lo tiền giả, không phải đổi tiền lẻ, không lo rớt tiền, không phải đi rút, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp luân chuyển hiệu quả các nguồn vốn trong xã hội một cách an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu rủi ro mà còn là biện pháp ngăn ngừa hối lộ, tham nhũng, tiêu cực hữu hiệu. Vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được thể hiện rõ nét hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội. Cơ hội mở rộng dịch vụ ngày nay còn lớn hơn khi phổ biến phương tiện thanh toán không tiền mặt sang các lĩnh vực khác. Sau xu hướng thanh toán số nở rộ, sẽ là dịch vụ tài chính số, khi hoạt động kết nối dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực… được tích hợp, thực hiện đồng bộ. Điều này đã tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.

Dù vậy, trong bối cảnh phát triển của các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được tăng cường.

Vấn đề lớn được Chính phủ đặt ra là hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả. Nâng cao việc được khai thác, sử dụng dữ liệu mở để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, phù hợp với trải nghiệm vượt trội đến với người dân.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng xây dựng ý thức trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của chính mình...