Được xây dựng và phát triển bởi học giả Andrea M. Matwyshyn vào năm 2016, thuật ngữ “Internet of Bodies” (IOB) ám chỉ việc gắn các thiết bị kết nối Internet vào cơ thể người nhằm thu thập dữ liệu phục vụ cho nhiều mục khác nhau, trong đó có y khoa.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường thiết bị y tế được kết nối Internet trên toàn cầu sẽ đạt giá trị khoảng 66 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ lên đến hơn 132 tỷ USD vào năm 2029.
Bà Matwyshyn cho biết có ba loại IOB dựa trên mức độ tích hợp của thiết bị vào cơ thể người.
Thế hệ đầu tiên bao gồm các thiết bị được gắn bên ngoài, chẳng hạn như: đồng hồ thông minh hoặc nhẫn theo dõi nhịp tim, kính thông minh hỗ trợ bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh nhân thông qua việc cung cấp thông tin cơ thể.
Thế hệ hai là các thiết bị được cấy ghép vào người sử dụng hoặc do họ tự nuốt. Có thể kể đến một số thiết bị tiêu biểu như: máy điều hòa nhịp tim hay các viên thuốc kỹ thuật số cung cấp dữ liệu cơ thể của người bệnh.
Thế hệ thứ ba bao gồm các thiết bị tuy gắn chặt hoàn toàn vào cơ thể người nhưng vẫn duy trì việc kết nối theo thời gian với các thiết bị bên ngoài qua Internet.
Một trong những công ty nổi bật về phát triển IOB thế hệ ba là Neuralink của Elon Musk. Công ty này đang phát triển giao diện máy tính não (BIC). Cụ thể, một chip nhỏ gần như vô hình được cấy ghép vào trong não giúp điều khiển chuyển động. Công nghệ được xây dựng để diễn giải hoạt động của não, từ đó người dùng có thể sử dụng máy tính hoặc điện thoại chỉ bằng suy nghĩ.
Nhiều người ủng hộ IOB tỏ ra hào hứng với lợi ích mà thiết bị này mang lại, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, trong khi một số khác, bao gồm bà Matwyshyn, lo ngại những rủi ro sẽ xảy đến.
“Việc cấy các thiết bị đã tập hợp nhiều dữ liệu, kiến thức xã hội vào cơ thể vĩnh viễn có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự chủ suy nghĩ của từng cá nhân” – bà Matwyshyn cho biết.