Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp sức nghệ sĩ sân khấu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do dịch Covid-19, nhiều sân khấu phải tạm đóng cửa. Trong hoàn cảnh này, đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải đời sống hàng ngày. Trước thực trạng trên, Bộ VHTT&DL đã đề nghị Bộ LĐTB&XH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nghệ sĩ.

 Vở diễn ''Hà thành chính khí'' trên sân khấu quay của Nhà hát kịch Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.

Nỗ lực mưu sinh

Thời điểm này, hơn 90% chương trình biểu diễn đã lên khung đều phải hủy hoặc lùi không thời hạn. Các show ca nhạc “lặng sóng”, sân khấu “buông rèm”…, đời sống của hầu hết nghệ sĩ rơi vào tình trạng lao đao. Chuyện khó tin đang diễn ra tại các nhà hát khi một số diễn viên đã vào biên chế, có danh hiệu NSƯT hoặc sắp được vào biên chế và đủ thành tích xét danh hiệu NSƯT nhưng vẫn bỏ nhà hát vì quá khó khăn.

Thời gian qua, trên mạng xã hội, hình ảnh nhiều nghệ sĩ phải làm thêm nghề tay trái như bán hàng online, chuyển phát nhanh, bán bảo hiểm… để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống xuất hiện với tần suất nhiều hơn. NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Ngay cả nghệ sĩ được hưởng biên chế cũng có thu nhập rất thấp, điển hình là nghệ sĩ chèo và tuồng. Lý do là ngành đào tạo của hai bộ môn này chỉ nằm ở hệ trung cấp nên khi ra trường, lương của họ chưa đến 3 triệu đồng/tháng”.

Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, hiện nay, cả nước có 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV. Đối tượng này đang khó khăn không thể đảm bảo cuộc sống do đại dịch Covid-19 xảy ra, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tạm ngừng.

Tháo gỡ khó khăn

Để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ nghệ sĩ, Bộ VHTT&DL vừa có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể, Bộ VHTT&DL đề nghị bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ: “Hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1.800.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần”.

Nói về lý do đề xuất này, Bộ VHTT&DL cho biết, lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù, đội ngũ nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng và phải được đào tạo bằng nhiều hình thức (kèm cặp, tại chỗ, đào tạo qua các cơ sở đào tạo nghệ thuật...) và phải đào tạo từ lúc nhỏ (từ 7 - 8 tuổi), thời gian đào tạo kéo dài và chỉ đạt đến trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng là ra nghề.

Thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 - 20 năm, đến độ tuổi từ 30 - 40 (đối với nữ) và 40 - 45 (đối với nam) khả năng biểu diễn của nghệ sĩ bị suy giảm, không thể đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn của nghề nghệ thuật biểu diễn.

Thực tế, theo thang bảng lương Nhà nước, mặc dù có tài năng, năng khiếu, được đào tạo công phu nhưng khi được tuyển dụng vào viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nghệ sĩ được xếp lương như đối với các ngành nghề khác (xếp lương theo trình độ đào tạo lên lương theo niên hạn trung bình 2 năm nâng một bậc lương đối với hạng IV, mức lương khởi điểm hệ số 1,86 x mức lương cơ sở 1.490.000 đồng) thì đối tượng viên chức là nghệ sĩ hiện nay không thể đi hết các bậc lương trong ngạch khi tuổi nghề ngắn.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, NSƯT Thanh Hiền – Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Nhà hát nào hiện nay cũng đang khó khăn. Vì vậy, tôi ủng hộ đề xuất của Bộ VHTT&DL hỗ trợ các nghệ sĩ trong thời điểm này”.

Có thể thấy, nếu giải pháp hỗ trợ này được thông qua, nghệ sĩ sân khấu Việt sẽ có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 để yên tâm, tiếp tục tập luyện, giữ được lửa nghề.