Hà Nội:

Tiếp tục lan toả mô hình điểm trong triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 6 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, ngày càng nhiều mô hình gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang được triển khai, mang đến những thay đổi rõ nét trong đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân.

Khắc phục bất cập

Sau 6 năm triển khai thực hiện, QTƯX công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm. Từ hiệu quả rõ rệt ấy, ngành văn hóa Thủ đô đang tích cực lan tỏa những cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng thực hiện QTƯX nơi công cộng.

Gắn biển Mô hình “Chợ Văn minh”  tại chợ Thái Hà.
Gắn biển Mô hình “Chợ Văn minh”  tại chợ Thái Hà.

Tại quận Đống Đa, thực tế khảo sát tại khu vực chợ Thái Hà vẫn còn tình trạng một số hộ kinh doanh bày bán tràn ra lối đi chung; Việc sắp xếp hàng hoá, phương tiện của một số hộ kinh doanh mặt đường chợ có lúc còn bừa bộn, tình trạnh bán hàng rong phía bên ngoài chợ diễn ra thường xuyên; Vệ sinh môi trường có lúc chưa được đảm bảo; Người dân đến giao thương tại chợ chưa nhiều.

Từ thực trạng đó, Hội LHPN quận Đống Đa cùng hai phường Trung Liệt - Quang Trung và Ban quản lý chợ Thái Hà xác định phải quyết tâm thực hiện thành công mô hình “Chợ văn minh” góp phần khắc phục các vấn đề bất cập về trật tự đô thị, từ đó thu hút nhiều người dân đến mua bán tại chợ, nâng cao hiệu quả kinh doanh tại đây.

Sau nhiều cuộc họp với các phòng, ban, ngành và 2 phường sở tại do Hội LHPN quận chủ trì đã có nhiều biện pháp được triển khai thực hiện như: Thành lập tổ nòng cốt tuyên truyền Quy tắc ứng xử và tiêu chí chợ văn minh; Đã in ấn, cấp phát gần 200 bản cam kết đến các tiểu thương và các ki ốt của HTX Thái Hà. Bên cạnh đó, Hội LHPN quận cũng thường xuyên tổ chức tập huấn về quy tắc ứng xử cho các tiểu thương, hộ kinh doanh khu vực chợ Thái Hà.

Trên cơ sở đó, ngày 26/6, tại quận Đống Đa, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Phòng Kinh tế quận tổ chức Lễ ra mắt Mô hình “Chợ văn minh” tại chợ Thái Hà. Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa Trần Thị Minh Xuân chia sẻ: Việc thực hiện mô hình chợ văn minh mang đến sự thay đổi về diện mạo đô thị, không gian giao thương bởi ngoài tiêu chí tạo ra chuẩn mực văn hoá trong ứng xử, chợ văn minh còn phải đạt các tiêu chí như 100% hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hoá trong chợ được sắp xếp gọn gàng, không lấn ra ngoài không gian chung, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Tại huyện Gia Lâm, theo Bí thư huyện uỷ Nguyễn Việt Hà: 100% thôn, TDP có hương ước, quy ước; đã có 86/164 hương ước, quy ước được UBND huyện phê duyệt và triển khai có hiệu quả, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, các phong tục không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt hương ước, quy ước như xã Đa Tốn, Phù Đổng, Dương Xá… Nổi bật là thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn đã mạnh dạn đưa vào hương ước của thôn quy định về thực hiện tang văn minh, tiến bộ loại bỏ các hủ tục đã tồn tại lâu đời trong đời sống của cư dân. Cụ thể như không rắc tiền thật, vàng mã ra đường; 100% trường hợp qua đời đưa đi hỏa táng; kiểu dáng, kích cỡ, hướng mộ bia mộ thống nhất theo quy định (Chiều rộng: 0.8m, chiều dài 1.2m, chiều cao 1,55m từ mặt đất lên, hàng cách hàng 0,8m, mộ cách mộ 0,4m). Sau  khi được UBND Huyện phê duyệt; các gia đình trong thôn đều nghiêm túc thực hiện nội dung hương ước.

Định hướng, khích lệ các địa phương

Để việc thực hiện quy tắc ứng xử thường xuyên, liên tục, lâu dài trong xây dựng, bồi đắp văn hóa người Hà Nội, UBND TP Hà Nội thường xuyên ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hai quy tắc ứng xử, đồng thời tích cực phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, mô hình tiêu biểu, góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Văn hóa chào hỏi  trong và ngoài nhà trường theo mô hình “Khoanh tay – Mỉm cười – Cúi chào” tại quận Long Biên.
Văn hóa chào hỏi  trong và ngoài nhà trường theo mô hình “Khoanh tay – Mỉm cười – Cúi chào” tại quận Long Biên.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình – Sở VH&TT Hà Nội Bùi Minh Hoàng: Ngoài việc vận động, hướng dẫn triển khai mô hình, các địa phương cần thường xuyên khích lệ, có chính sách động viên, hỗ trợ để các mô hình có sức sống bền bỉ, thực sự phát huy hiệu quả trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các Sở, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình khuyến khích việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó có thể kể đến như: Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” TP Hà Nội lần thứ 3; Tổ chức Chương trình “Tinh hoa Việt Nam”-“Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” cho 18 cặp đôi trẻ theo nếp sống mới; Cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền cổ động trực quan về QTUX; Tổ chức tuyên truyền Quy tắc ứng xử trên nền tảng công nghệ số…

Thời gian tới, theo các chuyên gia, cùng với việc sáng tạo những mô hình mới, ngành Văn hóa Thủ đô cần định hướng, khích lệ các địa phương tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, nhân cấy, lan tỏa những mô hình đã triển khai hiệu quả tại địa phương bạn; tuyên truyền, vận động, phát huy hơn nữa vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ cơ sở, sự vào cuộc chủ động, tích cực của chính quyền và đoàn thể các xã, phường, thị trấn… trong xây dựng đời sống văn hóa.