Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine phòng Covid-19

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 20/12, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội giám sát chuyên đề tại quận Hoàn Kiếm về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Theo đó, Đoàn giám sát được triển khai trên cơ sở Nghị quyết số 51/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn TP Hà Nội” và kế hoạch số 331/KH-ĐGS ngày 14/10/2022 triển khai Nghị quyết này.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách phòng, chống dịch Covid-19

Báo cáo với đoàn giám sát, Trưởng phòng y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết: Qua 3 năm từ năm 2020 đến 2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như trong xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng trên địa bàn quận.

Kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho thấy: Nguồn lực huy động từ ngân sách trong giai đoạn này là 2.422 tỷ đồng (gồm dự toán chi thường xuyên lĩnh vực y tế và dự phòng ngân sách hằng năm, nguồn tăng thu ngân sách quần, nguồn cải cách tiền lương của quận), quận đã thực hiện 143 tỷ đồng từ dự toán chi thường xuyên và dự phòng ngân sách năm.

Cùng với huy động kinh phí từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ vaccine phòng Covid-19; tiếp nhận 22.500 test xét nghiệm, 4.000 bộ trang phục phòng dịch, thuốc A, xe cứu thương... quận Hoàn Kiếm cũng huy động được nguồn nhân lực tham gia phòng dịch từ 6 phòng khám đa khoa với 120 cán bộ y tế tham gia hoạt động tại các trạm y tế lưu động và quản lý, chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà; 597 cán bộ y tế nghỉ hưu sinh sống trên địa bàn; cộng tác viên các phường tham gia 150 tổ chăm sóc sức khoẻ và tổ Covid-19 cộng đồng...

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Đến nay tổng kinh phí đã phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước chia theo nguồn là 151.911 triệu đồng (trong đó chi từ ngân sách quận 150.402 triệu đồng, ngân sách TP bổ sung 1.509 triệu đồng). Việc phân bổ ngân sách Nhà nước thực hiện theo từng nhiệm vụ: Kinh phí mua máy móc, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất khử khuẩn, phương tiện phòng chống dịch (không bao gồm mua sắm phục vụ công tác xét nghiệm) là 10,676 tỷ đồng; Kinh phí thực hiện cách ly y tế tập trung 5,196 tỷ đồng; Kinh phí hỗ trợ người lao động gặp khó khăn 82,638 tỷ đồng; Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khác (chăm sóc trẻ em mồ côi, hỗ trợ đối tượng chính sách...) 6,064 tỷ đồng; Kinh phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly 7,381 tỷ đồng.

Quận đã khẩn trương, kịp thời phân bổ, điều động nhân lực trực tiếp tham gia chống dịch trong ngành y tế, lực lượng công an, quân đội. Kinh phí chi chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng, chống dịch bố trí 32,566 tỷ đồng...

Thiếu nhân lực làm việc tại tuyến y tế cơ sở 

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở trên địa bàn, năm 2022, Trung tâm Y tế đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng và được TP cho tuyển dụng 34 chỉ tiêu chuyên môn theo hình thức xét tuyển; đã bổ nhiệm lại 8 vị trí chức danh Trưởng, Phó các Khoa, Phòng và Trạm Y tế.

Hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân như: Khám sức khoẻ học đường cho 98,5% số học sinh trên địa bàn; quản lý và điều trị cho 280 bệnh nhân tâm thần; tổ chức truyền thông về dinh dưỡng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng... Hiện quận đang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chuẩn quốc gia y tế phường năm 2022 tại địa bàn 18/18 phường.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát yêu cầu
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát yêu cầu

Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi thực hiện chính sách y tế cơ sở là Trung tâm Y tế quận đang thiếu rất nhiều nhân lực, đặc biệt là bác sỹ và nhân viên y tế làm tại trạm y tế phường. Qua 2 năm đại dịch, nhiều nhân viên nghỉ việc, chuyển việc, về hưu nhưng không tuyển được mới. Nguyên nhân do chế độ lương thấp, công việc vất vả không có thu nhập tăng thêm. Do không có bác sỹ trình độ cao nên không thu hút được bệnh nhân đến các phòng khám đa khoa và các trạm y tế, dẫn đến nguồn kinh phí từ dịch vụ khám chữa bệnh thấp.

Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế dự phòng, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết: Giai đoạn 2020-2022 UBND quận chi cho công tác phòng chống Covid-19 là 144.530 triệu đồng. Kinh phí hoạt động cho y tế dự phòng hằng năm do Sở Y tế cấp chung cho hoạt động các chương trình của Trung tâm Y tế. UBND quận cấp bổ sung cho các hoạt động vệ sinh môi trường, ngày vi chất dinh dưỡng...

Hệ thống y tế dự phòng quận đã tổ chức chiến dịch phun hóa chất, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành tại các điểm nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết trên toàn quận; phát hiện và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm...; thực hiện công tác dân số-KHHGĐ, sàng lọc trước sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...

Để thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm đề nghị Quốc hội sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về khám chữa bệnh như tự chủ; liên doanh, liên kết xã hội hóa; đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, máy móc, trang thiết bị và vật tư y tế theo hướng tiếp cận phù hợp với thực tế của chuyên ngành y tế và dễ thực hiện.

Đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành chính sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến y tế cơ sở và người làm công tác y tế dự phòng nhằm thu hút người về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã yêu cầu quận Hoàn Kiếm đánh giá kỹ hơn những kết quả thực hiện các quy định trên; có đánh về tính kịp thời của các văn bản, chính sách của trung ương và TP. Quận làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách này...

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Sau khi nghe báo cáo của quận làm rõ một số nội dung thành viên Đoàn giám sát yêu cầu, thay mặt Đoàn giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đã ghi nhận kết quả đạt được của quận Hoàn Kiếm trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch, huy động nguồn lực cho phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, yêu cầu quận làm việc kỹ lưỡng, nhanh chóng hoàn thiện báo cáo gửi về Đoàn giám sát để tổng hợp, gửi đến Quốc hội.

Với những đề xuất kiến nghị liên quan các chủ trương, chính sách, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đề nghị quận cần có kiến nghị chi tiết về các quy định cụ thể ở từng Luật như Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật BHYT; có lý giải về lý do kiến nghị để có đủ cơ sở khoa học, cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, quận khẩn trương hoàn thiện một số nhiệm vụ, chú trọng đến hoàn thiện hồ sơ, quan tâm đến công tác thanh quyết toán; tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động để các đối tượng, người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 để chủ động phòng bệnh.

Phối hợp với Sở Y tế thường xuyên nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, làm tốt công tác đào tạo, nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn, đầu tư mua sắm cơ sở vật chất. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý y tế, xây dựng hệ thống phầm mềm sức khoẻ điện tử...

Đặc biệt, cần tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ. Đề cao vai trò của HĐND và MTTQ, các tổ chức đoàn thể trong giám sát của cộng đồng dân cư. Quan tâm hệ thống y tế hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn để tránh được những hậu quả đáng tiếc trong quản lý-nhất là công tác phòng chống dịch.