Viet Foods thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Tuần qua, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong vụ việc kiểm tra sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Viet Foods xảy ra tại Đội quản lý thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.
Vào hồi cuối tháng 4/2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra lô hàng hơn 3.000 sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Viet Foods của Công ty TNHH TM Thực phẩm Hùng Anh. Sau đó, Quản lý thị trường đã gửi 4 mẫu sang Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia - Bộ Y tế làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 4/4 mẫu xúc xích mà lực lượng quản lý thị trường gửi sang đều chứa chất Sodium Nitrat (E251).
Tuy nhiên, phía Cục An toàn thực phẩm lại cho rằng, quản lý thị trường Hà Nội đã không đọc kỹ các văn bản, quy định của pháp luật nên hiểu sai vấn đề, đồng thời khẳng định E251 không phải là chất cấm.
Con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin ở lại Sabeco
Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn gửi ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về nội dung đơn kiến nghị ngày 30/12/2016 của ông về việc đề nghị xem xét chấp thuận cho tiếp tục làm việc tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
“Qua xem xét, Bộ Công Thương nhất trí với nội dung kiến nghị của ông Hải. Việc bố trí công tác đối với ông tại Sabeco phụ thuộc vào nhu cầu nhân lực của Sabeco. Đề nghị ông báo cáo Ban lãnh đạo Sabeco xem xét quyết định”, văn bản từ Bộ Công Thương nêu.
Như vậy, ông Hải không còn là cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ công Thương nữa. Còn việc ông Hải đề xuất ở lại Sabeco, công văn số 122 của Bộ Công Thương nhấn mạnh: ông Hải cần báo cáo Ban lãnh đạo Sabeco xem xét quyết định.
Cưỡng chế 100% đối tượng chây ì, cố tình chiếm dụng thuế
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn về quan điểm xử lý đối với đối tượng chây ì, cố tình chiếm dụng thuế. Kiên quyết thực hiện cưỡng chế 100% đối với tất cả người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, cố tình chiếm dụng thuế của ngân sách Nhà nước. Không từ chối trường hợp nào, Cục Thuế nào không thực hiện là vi phạm pháp luật, Thứ trưởng nói.
Mục tiêu chính được đặt ra cho ngành thuế trong năm 2017 là nâng hạng tiêu chí nộp thuế trong Bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh của World Bank thứ 167 lên vị trí thứ 82, tức phải nâng hạng được 85 bậc và buộc phải nỗ lực gấp 8 lần năm 2016.
Người Việt uống hết gần 3,8 tỷ lít bia trong năm 2016
Đây là con số được nêu rõ trong Báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, thương mại năm 2016 của Bộ Công Thương. Như vậy, tính trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia, tăng khoảng 4 lít so với năm ngoái.
Bộ Công Thương đánh giá mức sản xuất và tiêu thụ của các nhà máy bia trong nước cả năm 2016 tăng chậm ở mức 9,3% và chỉ bằng 85,6% kế hoạch năm. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5%, lên mức 55% từ tháng 1/2016 là nguyên nhân khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng không như kỳ vọng trong năm qua.
Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp đối với mặt hàng bia là 55% và sẽ tăng lên 65% sau một năm nữa, nhưng sức tiêu thụ bia trong nước vẫn không ngừng tăng. Dự báo năm 2017 sản lượng sản xuất của ngành bia trong nước đạt khoảng 3,988 tỷ lít, tăng 10% so với 2016.
Ngành bia đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước sản xuất 4,1 tỷ lít bia, đến 2035 sản xuất 5,5 tỷ lít bia. Theo một thống kê, trong năm 2015 ước tính sản lượng bia đạt 3,4 tỷ lít, tăng 40,72% so với năm 2010 (2,416 tỷ lít).
Với mức tiêu thụ hàng tỷ lít bia mỗi năm, Việt Nam trong vài năm trở lại đây vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bia lớn nhất Châu Á.