Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiêu điểm tuần] Mở tiệc trên cao tốc và nghi vấn đằng sau vụ cướp tại trạm thu phí

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua cả nước bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo ghi nhận, tình hình trật tự an toàn giao thông được cải thiện so với mọi năm, tuy nhiên vẫn xuất hiện những vụ việc gây bức xúc dư luận.

Khách mua hàng trong siêu thị ngày mùng 5 Tết. Ảnh: Lê Nam.
Thị trường hàng hóa bình ổn dịp Tết
Theo Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung thị trường các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi khá sôi động, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường, và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.
Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống.
Với sự phát triển của đời sống và khoa học công nghệ, tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà... nên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của người dân.
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2 Tết, sau thời gian nghỉ, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.
Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận Tết, một số mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa tươi tương đương so với những ngày cận Tết. Thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường.
Ảnh minh họa
Thời tiết miền Bắc nóng như mùa hè
Theo ghi nhận nền nhiệt độ tại các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ trong những ngày Tết Nguyên đán phổ biến dao động quanh 25 độ C - 30 độ C. Cá biệt ngày 9/2 nhiều nơi trên 30 độ C, có những điểm như tại Mường La (Sơn La) lên tới 33 - 34 độ C.
Lý giải hiện tượng trên, bà Lê Thị Loan - Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khá nóng so với cùng thời điểm này nhiều năm, nguyên nhân chính gây ra trạng thái thời tiết nóng này là do khối không khí lạnh chi phối thời tiết Bắc Bộ suy yếu và không có đợt không khí lạnh tăng cường nào bổ sung trong những ngày qua.
Ngoài ra một khối không khí nóng ở phía Tây phát triển và tác động đến thời tiết các tỉnh miền Bắc khiến cho tình trạng nóng kéo dài hơn trong dịp Tết này.
Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 183 người, bị thương 241 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 274 vụ làm chết 181 người, bị thương 241 người; đường sắt xảy ra 2 vụ làm chết 2 người; đường thủy không xảy ra TNGT.
 Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng tại Thanh Hóa
Đáng chú ý, trong cả kỳ nghỉ lễ kéo dài 9 ngày, cả nước chỉ xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đó là vụ TNGT diễn ra vào ngày 8/2 trên QL1A, đoạn qua xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa giữa ô tô khách BKS 98B-022.66 và ô tô con BKS 36B-2286; hậu quả làm 3 người trên xe ô tô con thiệt mạng, 5 người bị thương.
Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 dài 9 ngày (nhiều hơn kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2 ngày), vì vậy, sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (tính từ ngày 28 Tết đến mùng 4 Tết) cả nước đã xảy ra 214 vụ TNGT, làm chết 135 người, bị thương 189 người. So sánh với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 (tính từ ngày 29 Tết đến mùng 5 Tết) giảm 46 vụ (giảm 17,7%), giảm 60 người chết (giảm 30,7%), giảm 31 người bị thương (giảm 14,01%).
Bình quân số người chết trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 20 người/ngày, giảm 8 người chết/ngày (giảm 28%) so với bình quân số người chết trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tính riêng trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (ngày 10/2), toàn quốc xảy ra 28 vụ, làm chết 22 người, bị thương 19 người, đều là TNGT đường bộ.
Giao thông tại các TP lớn ổn định
Về tình hình ùn tắc giao thông, trong những ngày Tết, tại TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mà chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến phố qua khu vực bắn pháo hoa, các đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, tình trạng đi xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến. Lực lượng chức năng TP Hà Nội đã tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn TP tại các nút giao thông trọng điểm.
Cao điểm 2 ngày trước Tết và sau Tết, các tuyến đường trục chính ra vào TP Hà Nội như đường Nguyễn Trãi, đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Bưởi… mật độ phương tiện rất đông nên xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài, đặc biệt tại các tuyến đường xung quanh khu vực các bến xe. Tương tự tại TP Hồ Chí Minh các tuyến giao thông kết nối TP với các tỉnh miền Tây, tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Bắc xảy ra ùn tắc cục bộ.
Ngày 10/2, người dân đổ về Hà Nội nhưng không đông như mọi năm.
Vào các ngày 2/2, ngày 8/2 người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ về TP Vũng Tàu tăng cao khiến quốc lộ 51 ùn tắc nhiều đoạn. Ngày 9, 10/2 lượng xe trên một số tuyến như Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai III - Hà Nội, Xa lộ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn ứ cục bộ, cá biệt tại một số trạm thu phí cũng xảy ra ùn tắc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo xử lý mở barie (không thu phí), tăng cường nhân viên bán, thu vé, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán nên đã được kịp thời giải tỏa thông suốt.
"Xả" nhiều trạm thu phí dịp Tết
Chiều 8/2 (mùng 4 Tết Kỷ Hợi), cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cửa ngõ huyết mạch phía Nam thủ đô Hà Nội bị ùn tắc kéo dài chiều về trung tâm Hà Nội. Điểm ùn tắc chính là trạm BOT Thường Tín khoảng 4km, nhiều xe nối đuôi đi chậm ở cả 4 làn đường. Xe con, xe khách, xe tải nối đuôi nhau nhích từng mét đường.
Đến 19h, sau hơn 4 tiếng ùn tắc, dòng xe vẫn chưa thoát khỏi đoạn đường tắc nghẽn. Lúc 17h38, trạm BOT Thường Tín buộc phải xả 1 trạm để giải tỏa giao thông.
Cùng ngày, vào chiều 8/12 lượng phương tiện từ các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre đổ về quốc lộ 60 hướng lên cầu Rạch Miễu tăng đột biến khiến giao thông đoạn từ TP Bến Tre (Bến Tre) đến ngã ba Trung Lương (Tiền Giang) ù ứ nghiêm trọng.
Từ 16h cùng ngày, BOT cầu Rạch Miễu đã chủ động xả trạm cả 2 chiều (tổng cộng 6 làn) nhưng đến khoảng 19h lượng phương tiện vẫn ùn ứ nghiêm trọng kéo dài khoảng 15 km.

Trước đó, một số trạm thu phí trên tuyến cửa ngõ ra vào trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng bị ùn tắc kéo dài và buộc phải xả trạm trong một thời gian.
2 đối tượng gây ra vụ cướp tại trạm thu phí.
Vụ cướp táo tợn tại trạm thu phí
Ngày 10/2, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Tuấn Anh (26 tuổi, quê Tiền Giang) và Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi, quê Nam Định) về hành vi Cướp tài sản.
2 bị can được xác định là thủ phạm tham gia trực tiếp vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại Trạm thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (7/2/2019).
Liên quan đến số tiền bị cướp, tính đến trưa cùng ngày cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 2,1 tỷ đồng. Theo đó, có 2 người ở huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã giao nộp tổng số tiền là hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, công an cũng đã thu hồi hơn 100 triệu đồng và 10 lượng vàng SJC lúc bắt giữ cả 2 ở ga Sài Gòn. Một ít tiền trong quá trình cả 2 khai báo công an cũng đã thu hồi.
Theo hồ sơ, vụ cướp xảy ra khoảng 7h sáng 7/2, trong lúc nhân viên Trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giao ca thì Trần Tuấn Anh và Nguyễn Vũ Hoàng Nam đột nhập từ phía sau văn phòng. Sau đó, xông vào Phòng Kế toán, dùng súng và dao khống chế, uy hiếp 3 nhân viên và cướp đi số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, rồi trốn thoát.
Sau khi thực hiện vụ cướp, 2 đối tượng điều khiển xe máy chạy trốn được khoảng 3 km thì Trần Tuấn Anh ngã xuống đường, bị thương ở chân, buộc phải nằm ở khu vực gần đường ray xe lửa. Đối tượng Nguyễn Vũ Hoàng Nam di chuyển lên TP Hồ Chí Minh.
Tại cơ quan điều tra, Trần Tuấn Anh khai nhận, sau khi cướp được tiền do chân bị thương nên nằm gần đường ray xe lửa. Đến khoảng 19h tối cùng ngày, thì lết bộ ra Quốc lộ 1A, bắt xe taxi lên TP Hồ Chí Minh để gặp Nam. Khi hai đối tượng gặp nhau ở Ga Sài Gòn để chia tiền thì bị bắt giữ.
Trần Tuấn Anh và Nguyễn Vũ Hoàng Nam đều là nhân viên cũ của Trạm thu phí đường cao tốc TTP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Sau khi nghỉ việc, 2 người biết rõ quy trình giao ca, tiền thu phí được đưa vào két sắt ở Phòng Kế toán nên lên kế hoạch thực hiện vụ cướp.
Trạm thu phí Dầu Giây
Tranh cãi về số tiền thu được tại các trạm thu phí
Vụ cướp xảy ra tại trạm thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) vào sáng 7/2 khiến cho dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về số tiền thu được từ BOT quá khủng khiếp? Bởi thông tin ban đầu, số tiền mất chỉ khoảng 300 triệu đồng, nhưng khi công an vào cuộc đối chiếu sổ sách thì con số đó là hơn 2 tỷ. Và nghi vấn số tiền này chỉ là tiền thu được của 1 ca trực.
Nếu theo cách tính của giả thiết trên, 1 ngày trạm Dầu Giây thu được 6 - 7 tỷ, con số đó nhân lên 1 năm sẽ là vô cũng lớn. Trong khi đó, tổng kết năm 2018, chủ đầu tư tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh Long Thành - Dầu Giây báo cáo chỉ thu được khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.
Lý giải về những vấn đề trên, lãnh đạo tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng: Trong dịp Tết, do ngân hàng không thực hiện dịch vụ thu tiền thu phí tại các trạm thu phí nên tại thời điểm xảy ra vụ cướp, tổng số tiền trong két sắt tại phòng Kế toán vé thẻ trạm Dầu Giây là 3.230.660.000 đồng.
Đây là tiền doanh thu của 2 ca ngày 4/2/2019, 3 ca ngày 5/2/2019 và 3 ca ngày 6/2/2019 (1 ca/8h), tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ đơn vị vận hành khai thác tuyến (công ty VEC E) chuẩn bị để kịp thời phục vụ khách hàng dịp tết (dịp Tết, ngân hàng cũng không thực hiện dịch vụ thu tiền thu phí đổi tiền lẻ).
Khi xảy ra vụ cướp, 2 đối tượng đã lấy đi số tiền thu phí là 2.220.000.000 đồng, số tiền thực tế còn lại được kiểm đếm ngay sau vụ cướp là 1.010.660.000 đồng.
Tuy nhiên, giải thích của chủ đầu tư trạm thu phí Dầu Giây đã không làm hài lòng của nhiều người, nhất là trong bối cảnh thời gian qua, người dân vẫn hoài nghi về cách tính tổng mức đầu tư, mức phí, thời gian thu phí các dự án BOT. Nhất là khi cơ chế giám sát thực chất mức phí và lộ trình tăng phí chưa được chặt chẽ.
Trên thực tế, từ trước đến nay xảy ra tình trạng nhiều nhà đầu tư BOT muốn kéo dài thời gian thu vốn, và để làm được điều đó họ sẽ đối phó bằng cách chần chừ triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng, giấu doanh thu, lưu lượng xe qua trạm. Hơn nữa, hiện nay, các số liệu về xe qua trạm, tiền thu BOT không có bên thứ 3 giám sát nên rõ ràng, con số thống kê không chính xác. Và tất nhiên, hậu quả sẽ dẫn đến sự thất thoát, kéo dài thời gian thu phí, và người dân vẫn sẽ là những người chịu thiệt thòi.
Vô tư mở tiệc trên cao tốc ngày mùng 2 Tết.
Nhiều vụ việc gây phẫn nộ trên facebook
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, nhiều vụ việc gây phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội được bắt nguồn từ mạng xã hội facebook.
Tiêu biểu, trưa 6/2, một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội tên H.V. đã đăng tải hình ảnh gia đình gồm 4 người vô tư ăn uống trên làn dừng xe khẩn cấp cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ngay khi những hình ảnh trên được phát trực tiếp lên facebook, tài khoản H.V. đã "hứng chịu" nhiều chỉ trích từ cộng đồng.
Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng xác định chủ nhân chiếc xe ô tô vi phạm mang BKS 36A-090.48 là Hồ Chí V. (trú phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Tại trụ sở Đội CSGT, anh V. thừa nhận vi phạm và bày tỏ rất ân hận, xin lỗi đến cộng đồng mạng.
"Trong quá trình đang ăn thì các cháu đã lấy điện thoại quay và chụp ảnh đưa lên mạng. Lúc đó, không hiểu sao và cũng do niềm vui đi chơi xuân mà tôi đã lú lẫn, đãng trí… không nghĩ được việc làm sai đó", anh V. giải thích.
Anh V. bày tỏ thêm, khi "tỉnh ngộ", bản thân cảm thấy rất ân hận về hành vi của mình, đã gây nguy hiểm cho cả gia đình và xã hội.
Tiếp đó, ngày 7/2 trên mạng xã hội lan truyền 1 phiếu thanh toán được cho là một nhà hàng ở Nha Trang, Khánh Hòa bị tố ''chặt chém'' nhóm du khách Malaysia sau khi ăn uống tại đây, hôm mùng 3 Tết. Tên nhà hàng được ghi rõ trên phiếu tính tiền là nhà hàng ''Hưng Phát'', cùng địa chỉ là 86/5 Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Sau khi phiếu tính tiền kể trên xuất hiện trên mạng, nhiều người vô vùng phẫn nộ, cho rằng nhà hàng này đã lợi dụng dịp Tết Nguyên đán chặt chém quá mức nhiều món ăn đối với nhóm du khách.
Cụ thể, toàn bộ số tiền mà nhóm du khách thanh toán cho nhà hàng, ghi rõ là 9,2 triệu đồng. Trong đó, một số món ăn giá cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung ở Nha Trang như: Món mì xào hải sản 500.000 đồng/phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, đậu hà lan xào tỏi 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần, trứng xào cà chua 500.000 đồng/phần)....
Sau khi nắm được thông tin gây bức xúc trong dư luận kể trên, sáng 9/2 (mùng 5 Tết), Đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có Cục quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã xuống nhà hàng kể trên để xác minh, kiểm tra, làm rõ thông tin sự việc. Tuy nhiên, nhà hàng đóng cửa, chỉ có mỗi nhân viên bảo vệ. Hiện lực lượng kiểm tra đang tìm cách liên lạc với chủ nhà hàng và sớm có thông tin chính thức về vụ việc.