Tổ chức trọng thể Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Sáng 3/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh); Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức Quốc tang.
Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh diễn ra từ 10h45 ngày 3/5 tại Nhà Tang lễ Quốc gia. Lễ an táng từ 17h cùng ngày tại Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.
Đã có hơn 1.000 đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào, trong đó có hơn 100 đoàn quốc tế đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Chủ tịch nước. Nhiều lãnh đạo, đoàn ngoại giao, bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Đại tướng.
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông mất ngày 22/4/2019 tại Hà Nội.
Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. (Xem thêm)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP |
Ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất ngân hàng được giữ ổn định. Tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (FDI) tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018...
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông được quan tâm chỉ đạo và phát triển toàn diện; công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định...
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội còn có nhiều thách thức. Trong đó nổi lên là sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên; dịch tả lợn châu Phi đã bắt đầu hạ nhiệt nhưng do dịch bệnh lan rộng đã gây ảnh hưởng đến phát triển đàn và kết quả chăn nuôi lợn. Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng chậm lại. Xuất khẩu tuy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tăng thấp. Cán cân thương mại 4 tháng duy trì xuất siêu, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện trong tháng 4 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu... (Xem thêm)
Trong tuần qua người dân cả nước kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Cũng giống như những năm trước, trong suốt 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hầu hết các điểm du lịch trên cả nước đều xảy ra tình trạng tăng giá các dịch vụ ăn uống, rác thải tràn lan và quá tải.
Các bãi biển khắp cả nước như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Cát Bà và Đồ Sơn (Hải Phòng), Nhật Lệ, Lăng Cô (Huế), Đà Nẵng, Phan Thiết (Bình Thuận), Vũng Tàu, Khánh Hòa… đông nghẹt khách. Bên cạnh đó các điểm đến ở miền núi và TP cũng hút khách không kém.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ 27/4 đến 1/5 toàn quốc xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông, làm chết 96 người và bị thương 96 người. Riêng đường bộ đã xảy ra 135 vụ tai nạn, làm chết 94 người, bị thương 96 người; đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người.
Trong đó nhiều vụ tai nạn xảy ra trong dịp nghỉ lễ do lái xe vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lấn làn đường; chở quá số người quy định, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm...
Đáng chú ý, trong dịp này người dân có nhiều cuộc gọi/tin nhắn phản ánh qua đường dây nóng chủ yếu về tình trạng xe chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé, tập trung vào các tuyến từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Yên Bái và ngược lại. Từ những phản ánh trên lực lượng chức năng đã xử lý nhiều nhà xe nhồi nhét khách. (Xem thêm)
Ngày 5/5, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương phát đi thông báo về kết quả kỳ họp 35.
Theo đó từ ngày 24 đến 26/4, tại Hà Nội, UBKT Trung ương đã họp kỳ 35 xem xét, kết luận một số nội dung sau:
Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải;
Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng;
Xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9 và Đại tá Trương Thanh Nam - Đảng ủy viên, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8, Quân khu 9;
Xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Bá Cảnh - Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng;
Xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, TP Hà Nội và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 34 của UBKT Trung ương;
Xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Quang Dũng - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình;
Xem xét, kết luận kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy Ninh Thuận; xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng 4 trường hợp. (Xem thêm)
Thời gian qua, theo phản ánh của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hóa đơn tiền điện tăng gấp 2, 3 lần so với thời gian trước. Dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lời giải thích việc tăng giá điện là do nhiều nguyên nhân như lượng tiêu thụ điện tăng cao, tăng giá bán lẻ điện bình quân và số ngày ghi chỉ số côngtơ tăng thêm. Tuy nhiên việc điều chỉnh mức giá bán điện và thu tiền điện vẫn gây nhiều bức xúc cho người dân.
Trước tình trạng trên Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng, sai và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra. Nội dung kiểm tra gồm kiểm tra tình hình thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ngày 20/3 vừa qua và quy định giá bán điện.
Các đoàn cũng sẽ kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua cũng như tình hình thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng.
Đối tượng kiểm tra là các tổng công ty điện lực và một số khách hàng sử dụng điện. Thời gian kiểm tra từ ngày 8 - 10/5. (Xem thêm)
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có 8 kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. |
Theo Bộ Công Thương, hiện giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước vẫn đang được duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với giá cơ sở. Tuy nhiên, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua tăng. Để tiếp tục góp phần bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, căn cứ tình hình thực tế của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong kỳ điều hành này Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá cho các mặt hàng xăng, hạn chế tác động tâm lý đến thị trường hàng hóa nói chung.
Sau khi thực hiện việc trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ 16h ngày 2/5: Xăng E5RON92 tăng 985 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 956 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 311 đồng/lít; dầu hỏa tăng 363 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 385 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92 không cao hơn 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 22.191 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.695 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.625 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.002 đồng/kg.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có 8 kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Trong đó, có 3 kỳ giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, 1 kỳ giá giảm và 4 kỳ giá xăng dầu được giữ ổn định. (Xem thêm)
Hơn 2 năm bị giam, qua 23 phiên xét xử, sáng 3/5, Đoàn Thị Hương được Malaysia phóng thích khỏi nhà tù nữ ở bang Selangor. 19h15 cùng ngày (20h15 giờ Hà Nội), Hương lên máy bay về Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc Hương được trả tự do và trở về Việt Nam là "kết quả của các nỗ lực bảo hộ công dân của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư của Việt Nam cùng các luật sư người Malaysia". Việt Nam ghi nhận các cơ quan chức năng Malaysia thời gian qua đã tích cực giải quyết vụ việc.
Tại sân bay Nội Bài, rất đông người đứng chờ đón Hương. Hương trả lời các câu hỏi của phóng viên chừng 3 phút rồi di chuyển lên ô tô chờ sẵn đi về nhà ở tỉnh Nam Định.
Trước khi lên xe Đoàn Thị Hương nói lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Malaysia cùng các luật sư và cho biết được đối xử tốt trong trại giam. Hương nói chưa có dự định cụ thể cho tương lai nhưng vẫn nuôi ước mơ làm diễn viên và mong muốn được trở lại Malaysia.
Sự trở về của Hương đã gây những ồn ào quá đáng trong dư luận, nhất là trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến trách truyền thông đưa tin Hương trở về như một ngôi sao điện ảnh chứ không phải một nghi phạm bị kết án. Tuy nhiên, xét 1 cách khách quan, vụ án của Hương là một biến cố chính trị lớn, ở tầm cỡ quốc tế nên truyền thông trong và ngoài nước không thể bỏ qua.
Trong câu chuyện này, giá mà truyền thông lựa chọn đưa tin 1 cách chừng mực hơn; Đoàn Thị Hương chọn trở về một cách ít ồn ào hơn thì có lẽ đã có 1 kết thúc "có hậu" cho những nỗ lực ngoại giao bền bỉ của Việt Nam suốt hơn 2 năm qua. (Xem thêm)
Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, nơi xảy ra sự việc. |
Sự việc xảy ra khoảng 9h sáng 3/5, Đỗ Mãnh Chiểu Minh (SN 1994, trú tại xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) đã xông vào trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh dùng dao đâm, chém loạn xạ các em học sinh. Hậu quả, khiến 1 em học sinh tử vong, 4 em khác cùng 1 cô giáo bị thương nặng.
Sau khi gây ra vụ việc, Đỗ Mãnh Chiểu Minh đã bị cơ quan điều tra bắt giữ sau hơn 1h đồng hồ lẩn trốn trên đồi, cách hiện trường khoảng 4km.
Bước đầu khai với cơ quan điều tra, Minh cho biết, do có mâu thuẫn với bố của 1 học sinh (nạn nhân tử vong) từ nhiều năm trước. Có lần người đàn ông này trêu ghẹo, bôi dung dịch màu đỏ và nước lên người Minh, sau đó hăm dọa bị nhiễm HIV khiến Minh bị ám ảnh.
Thời gian gần đây, gia đình học sinh tử vong hay bị mất trộm gà vịt nên nghi ngờ và mắng chửi bóng gió khiến Minh tức tối. Từ đó Minh nảy ra ý định trả thù.
Theo cơ quan điều tra, Minh thường ngày sống lập dị, ít giao du với làng xóm, có biểu hiện tâm lý không bình thường. Hiện đối tượng đang được trưng cầu giám định tâm thần để tiếp tục xử lý vụ án. (Xem thêm)
Trong tuần qua, vụ việc 1 quán ăn "chặt chém" khách tại Long An đã thu hút sự chú ý quan tâm đặc biệt của dư luận và mạng xã hội.
Theo đó, tối 1/5, anh Nguyễn Xuân Quang Minh (38 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) cùng vợ và 2 con nhỏ từ quê Bến Tre lên TP, ghé vào quán Bảo Châu (nằm ven quốc lộ 1, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) để nghỉ ngơi, uống nước.
Anh Minh gọi 2 chai nước tăng lực uống, bà Huệ (chủ quán) đòi 60.000 đồng. 1 người khách ở bàn kế cũng nói quán từng bán tô hủ tíu giá 100.000 đồng, từ đó xảy ra cự cãi giữa chủ quán với khách. Sau đó anh Minh bị 4 người trong gia đình bà Huệ đánh chảy máu đầu.
Sự việc diễn ra được vợ anh Minh quay phát trực tiếp trên facebook. Clip này nhanh chóng lan truyền trên mạng, nhiều người tỏ ra bất bình trước hành động của quán.
Đến chiều 2/5, hơn 10 thanh niên đi xe máy đến quán nước của bà Huệ, cầm gậy gộc, mã tấu xông vào đuổi đánh chủ quán, sau đó đập phá đồ đạc. Trước khi bỏ đi, nhóm người này gây thương tích cho cha ruột của bà Huệ đang bán ở quán nước gần đó.
Nhiều người dân địa phương cho biết gia đình bà Huệ thuộc dạng có "máu mặt" trong giới mua bán kiểu chụp giật. Dù là nữ nhưng bà Huệ không ít lần gây gổ, đuổi đánh những khách nào trả giá hoặc vào quán rồi chê, bỏ đi.
Sau vụ việc, quán Bảo Châu đã chính thức đóng cửa nghỉ bán. Bà Huệ đã trả lại mặt bằng, dọn dẹp đồ đạc để chuyển đi nơi khác. Với nhóm thanh niên đập phá quán Bảo Châu, bước đầu cơ quan chức năng nhận diện, đây là một số thanh niên ở quanh vùng, nghe tin nổi máu côn đồ sang gây sự, đập phá quán.