Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Thủ tướng đồng ý mở đường đua công thức 1 tại Hà Nội

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng đồng ý mở đường đua công thức 1 tại Hà Nội; Tháng 9 có kết luận thanh tra Thủ Thiêm; Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Đang chờ kết luận cuối cùng để xử lý sai phạm trong thi THPT Quốc gia... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng đồng ý mở đường đua công thức 1 tại Hà Nội theo hướng xã hội hoá

Chiều 30/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, báo chí đặt câu hỏi đến Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về việc UBND TP Hà Nội và các bộ ngành đang dự kiến đua xe công thức 1 (Formula One) về Việt Nam, quan điểm của Chính phủ như thế nào về đề xuất này?

 

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết. Theo Luật Thể dục và thể thao năm 2003, việc này là thẩm quyền của Thủ tướng. Nhưng Luật mới sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2019, việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Sau khi có ý kiến của UBND TP. Hà Nội, Thành uỷ Hà Nội, Thủ tướng giao cho Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT và các bộ cho ý kiến, xem xét, đánh giá tác động, đặc biệt là dân cư xung quanh nơi diễn ra đua xe F1.

Dự kiến phương án ban đầu tổ chức đua tại xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến đường gần đó. Tuy nhiên, sau đó đơn vị tổ chức đường đua nước ngoài cho rằng, khu vực này không đạt yêu cầu và chi phí lớn. Sau đó, Hà Nội báo cáo phương án tổ chức điểm đua ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình, địa điểm đã đồng bộ hạ tầng, tuyến đường có sẵn.

"Tinh thần là chúng ta xã hội hoá toàn bộ, không dùng ngân sách. Ví dụ những giải phân cách giữa tuyến đường đua và nhà dân là xã hội hoá hết", Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, đây là giải thể thao quốc tế rất mới, các nước đã tổ chức rất tốt. Tại Hà Nội, khi UBND TP xin ý kiến người dân có tuyến đường đi qua, đều nhận được đồng tình cao việc tổ chức để thu hút khách quốc tế. Đây là điểm mới rất phù hợp với nhu cầu của người dân nếu đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Thủ tướng yêu cầu nếu tổ chức được thì phải xã hội hoá 100%. Các bộ, ngành đều ủng hộ tổ chức, tạo nét mới cho Hà Nội. Trong quá trình đàm phán với các nhà tổ chức sự kiện thì chúng ta sẽ theo dõi tiếp".

Hiện nay mới đang là chủ trương ban đầu đồng ý cho Hà Nội tiếp cận với các nhà tổ chức sự kiện. Vấn đề ký kết hợp đồng, cam kết… liên quan đến thu phí thế nào, tổ chức thế nào, thu quảng cáo thế nào sẽ tiếp tục được đặt ra.

Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/8.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban trên. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó chủ tịch Ủy ban. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban.
Các ủy viên gồm: Bộ trưởng Công an; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Tài chính; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel; Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Theo quyết định, Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Đồng thời Ủy ban giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ủy ban cũng giúp Chính phủ, Thủ tướng điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Ủy ban cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng.
Thành lập tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban, đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm tổ trưởng. Tổ phó là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ). Trong trường hợp cần thiết, tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ làm nhiệm vụ thường trực của tổ công tác. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Đang chờ kết luận cuối cùng để xử lý sai phạm trong thi THPT Quốc gia
Chiều 30/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, về những sai phạm trong kỳ thi quốc gia vừa qua, cơ quan Công an đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Công an xử lý.
 
Khi có kết luận, sẽ xác định rõ họ tên cụ thể các thí sinh sai phạm, thực hiện theo quy chế. Nếu đến mức độ huỷ kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu huỷ, cũng như yêu cầu các trường đại học không tiếp nhận các trường hợp sai phạm.
Liên quan tới ý kiến cho rằng, sách giáo khoa cũ hiện nay không thể sử dụng được. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phổ thông mới từ năm 2000 đến nay, sách giáo khoa cũ vẫn đang được triển khai và có điều chỉnh, hàng năm có tái bản, bổ sung thêm một số sách.
Với chương trình hiện nay, sách giáo khoa cũ vẫn còn hiệu lực, vẫn còn sử dụng khi chương trình mới thực hiện theo Nghị quyết 88 chưa chính thức được ban hành. Thực hiện Nghị quyết 88, Quốc hội cho phép thực hiện chương trình phổ thông mới và theo lộ trình bắt đầu thực hiện từ năm 2019 hoặc năm 2020, có thể triển khai từ lớp 1 và khi có chương trình sách giáo khoa mới, lúc đó chương trình sách giáo khoa cũ mới còn hiệu lực.
Đã có kết luận về việc bổ nhiệm cán bộ tại Tổng công ty Cảng Hàng không
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ vừa ký kết luận Thanh tra số 9526/KL-BGTVT thanh tra trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về việc bổ nhiệm cán bộ.
 
Theo kết luận này, một số trường hợp chưa đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên mô theo quy định vẫn được ACV xem xét, bổ nhiệm. Việc lưu trữ hồ sơ cán bộ chưa bảo đảm khoa học.
Từ năm 2016 đến nay, ACV đã bổ nhiệm 172 trường hợp giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cụ thể, năm 2016 có 50 trường hợp; năm 2017 có 16 trường hợp và năm 2018 có 106 trường hợp (53 trường hợp đã trình bổ nhiệm từ năm 2016, 2017). Trong số đó, tháng 2/2018 có 2 trường hợp được bổ nhiệm; ngày 13/4/2018 có 11 trường hợp được bổ nhiệm; ngày 26/5/2018 có 26 trường hợp và đặc biệt ngày 19/6 có tới 67 trường hợp.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, mặc dù đã được sự phê duyệt của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Quản trị ACV trước khi Tổng giám đốc ký các quyết định bổ nhiệm đối với 67 cán bộ quản lý vào ngày 19/6/2018 (có hiệu lực ngày 1/7/2018), nhưng thời điểm thực hiện việc bổ nhiệm trùng với thời điểm ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV đã có thông báo nghỉ hưu theo chế độ. Điều này tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín chung.
Về nguyên nhân xảy ra một số tồn tại trong công tác cán bộ đã được thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra tại ACV như: sau khi chuyển đổi mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, ACV đã tập trung kiện toàn tổ chức ở cả cấp Tổng công ty và đơn vị trực thuộc.
Thời điểm đó, đã có một số trường hợp trình đề nghị bổ nhiệm từ năm 2016, 2017, nhưng chưa được xem xét, quyết định. Điều này tác động trực tiếp và làm dồn việc bổ nhiệm cán bộ vào thời điểm năm 2018.
Thẩm quyền quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn tập trung ở cấp Tổng công ty, chưa phân cấp mạnh xuống đơn vị. Bộ phận tham mưu về công tác cán bộ chưa quan tâm tìm hiểu kỹ và cập nhật đầy đủ các quy định có liên quan để tham mưu thực hiện theo quy định.
Với những nguyên nhân, tồn tại trên, kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước gắn với chức danh lãnh đạo, quản lý phối hợp với Hội đồng quản trị, Ban Thường vụ Đảng ủy ACV khẩn trương chỉ đạo rà soát các quy định, quy chế nội bộ để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác cán bộ của ACV.
Cùng đó, chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của ACV để hoàn thiện; bảo đảm hồ sơ đầy đủ văn bản, chứng chỉ, giấy tờ…
Ngoài ra, kết luận Thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Đảng ủy ACV tăng cường hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ của ACV; trong đó, chú trọng hoàn thiện quy định nội bộ, công tác quy hoạch, phân cấp quản lý cán bộ.
Trước đó, ông Lê Mạnh Hùng Tổng giám đốc ACV dù đã có thông báo nghỉ hưu theo chế độ đã ký bổ nhiệm cán bộ đồng loạt. Cụ thể, ngày 19/6/2018, ông Lê Mạnh Hùng đã ký quyết định bổ nhiệm 76 chức danh trưởng, phó phòng của ACV, có hiệu lực từ 1/7/2018. Trong khi đó, ngày 19/7/2018, ông Lê Mạnh Hùng nghỉ hưu theo chế độ.
Trước sự bất thường này, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ đồng loạt tại ACV.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề trên cả nước

Báo cáo cập nhật tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra sáng 1/9 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, nhiều địa phương trên cả nước đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

 

Tại các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, đến nay đã có ít nhất 4 người chết (3 người ở Sơn La và 1 người ở Yên Bái). 179 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70% (Điện Biên: 14 nhà; Sơn La: 37 nhà; Yên Bái: 2 nhà; Cao Bằng: 2 nhà; Lạng Sơn: 3 nhà; Thái Nguyên: 1 nhà; Phú Thọ: 3 nhà; Thanh Hóa: 123 nhà; Nghệ An: 8 nhà). 728 hộ dân hiện đang phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 618 nhà; Hòa Bình: 18 nhà; Yên Bái: 75 nhà; Phú Thọ: 9 nhà; Nghệ An: 8 nhà).

Nông nghiệp cũng chịu thiệt hại lớn khi 1.120ha lúa, hoa màu, thiệt hại. 1.461 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. 114ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. 470m kè và 3.390m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại.

Trong một diễn biến khác, báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ảnh hưởng của lũ tới sản xuất lúa hè thu, thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất nặng nề. Diện tích gieo trồng các tỉnh ĐBSCL là 1.601.188ha; đã thu hoạch đến 31/8 là 1.028.983ha, đạt 64%. Diện tích chưa thu hoạch là 572.204ha hầu hết đều nằm trong vùng an toàn, ngoại trừ 137.400ha thuộc vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng lũ.

Diện tích gieo trồng ở các tỉnh ĐBSCL đến 31/8 là 462.276ha, đạt 62% kế hoạch. Trong đó diện tích có thể bị ảnh hưởng của lũ là 43.028ha. Diện tích cây trồng bị thiệt hại do ảnh hưởng của lũ khoảng 1.000ha lúa nằm ngoài vùng đê bao, bờ bao bảo vệ bị thiệt hại vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 (các diện tích này đều gieo cấy ngoài kế hoạch).

Hà Nội: Kinh tế duy trì tăng tưởng khá và ổn định

Sáng 27/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, tập thể UBND TP giao ban công tác tháng 8/2018. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản, Lê Hồng Sơn.

 

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Các chỉ số tăng trưởng kinh tế chủ yếu tháng 8 tiếp tục duy trì tăng khá và kết quả 8 tháng đều cao hơn cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 7,2%, cộng dồn 8 tháng đầu năm tăng 7,4%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 5,5%, cộng dần 8 tháng tăng 9,4% (cùng kỳ là 8,8%); Chỉ số giá tiêu dùng cao hơn so cùng kỳ, CPI trung bình 8 tháng tăng 3,76% (cùng kỳ là 3,53%).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước tăng 26,2%, cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 9,16 tỷ USD, tăng 19,0%. Kim ngạch nhập khẩu cộng dồn 8 tháng đạt 20,03 tỷ USD, tăng 6,2%.

Khách du lịch tiếp tục tăng khá. Khách đến Hà Nội trong tháng 8 ước đạt 2,27 triệu lượt, tăng 8,22%, trong đó: khách quốc tế 458,3 nghìn lượt, tăng 13% (có lưu trú là 330 nghìn lượt, tăng 14%). Cộng dồn 8 tháng đầu năm, khách đến Hà Nội đạt 17,63 triệu lượt, tăng 9,08%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 51,28 nghìn tỷ đồng, tăng 7,12%.

Về sản xuất nông nghiệp, tính đến 15/8, toàn Thành phố đã gieo cấy được 106,75 nghìn ha lúa và hoa màu vụ mùa, bằng 93,5% cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích lúa 86,42 nghìn ha lúa, giảm 7%. Nhìn chung phần lớn diện tích lúa vụ mùa được gieo cấy trong khung thời vụ. Chăn nuôi nhìn chung ổn định, không xảy ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn dài ngày làm 8.085 ha lúa bị ngập úng và 500 gia súc, 104 nghìn gia cầm chết.

Về hoạt động thu hút đầu tư, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 16.467 đơn vị vốn đăng ký là 180 nghìn tỷ đồng (tăng 0,2% về lượng và 41% về vốn).

Trong tháng 8, thu hút 95 triệu USD vốn FDI (51 dự án cấp mới, 20 triệu USD; 16 dự án tăng vốn, 70 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần tại 25 doanh nghiệp, vốn góp 5 triệu USD); lũy kế 8 tháng ước thu hút được 6,26 tỷ USD (tăng 3,6 lần so cùng kỳ năm 2017).

Tính đến ngày 20/8/2018, Sở KH&ĐT đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 64 dự án, vốn đầu tư 159,78 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 58 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn 86,33 nghìn tỷ đồng.

Thu NSNN 8 tháng đầu năm ước đạt 151,6 nghìn tỷ đồng, đạt 63,6% dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2017. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 42,6 nghìn tỷ đồng, đạt 44,7% dự toán.

Tổ công tác đôn đốc giải ngân của Thành phố đang tích cực rà soát, đôn đốc triển khai các thủ tục đầu tư, thi công và giải ngân vốn XDCB, đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân các tháng cuối năm.

Về quản lý và phát triển đô thị, TP tích cực tổng hợp xây dựng Đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; cung cấp điện; cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; hạ ngầm đường dây;...

Đáng chú ý, Thể thao Hà Nội tiếp tục là địa phương chủ lực của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao Châu Á 2018 với đóng góp 05/12 huy chương đạt được toàn Đoàn (41,6%) tính đến hết ngày 23/8/2018.

Trong tháng 9, TP tập trung đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư XDCB. Đôn đốc các chủ đầu tư trong Quý III/2018 hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; hoàn thiện thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công trước 31/10/2018 đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch thực hiện dự án năm 2019.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị; công tác chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường; Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh. Kiểm tra, duy tu, quản lý, vận hành khai thác có hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tưới, tiêu, phòng, chống bão lụt.

Đảm bảo công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh bùng phát, tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Trung thu.

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 8/2018, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận các đơn vị sở, ngành, quận, huyện đã nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ các công việc được giao, điển hình là chuẩn bị cho tổ chức hội nghị 10 năm hợp nhất; tổ chức hội nghị hội thảo về đề án xây dựng chính quyền đô thị được dư luận quan tâm…Về tình hình kinh tế xã hội, mục tiêu trong năm đang được tiến hành đúng tiến độ như kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo…

Trong tháng 9, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị tập trung làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ 2/9. Công an TP, Cảnh sát PCCC, Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo công an quận huyện, quận đội làm tốt kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm vui chơi văn hóa. Nêu phản ảnh của người dân về tình trạng móc túi tại công viên Thủ lệ, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công an TP quyết liệt xử lý tội phạm móc túi cướp giật, tội phạm nơi công cộng, lưu ý tình trạng đua xe...

Truy tố 92 bị can với 7 tội danh trong vụ án đánh bạc “khủng” tại Phú Thọ

Ngày 31/8, Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã tống đạt cáo trạng truy tố 92 bị can trong vụ án “sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”; “đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “rửa tiền”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, TP khác.

 

Một trong những đối tượng cầm đầu là bị can Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao - CNC) đã các cùng đồng phạm lợi dụng công nghệ cao, có sự trợ giúp của một số người nguyên là cán bộ công an để phạm tội với nhiều tội danh nêu trên.

Cáo trạng thể hiện, sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/ Tip.Clup, 23 Zdo, Zon/Pen các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.

Qua đó, lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép hơn 9 nghìn tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Văn Dương với vai trò cầm đầu bị truy tố về 2 tội danh, tổ chức đánh bạc và rửa tiền, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi bị can Nguyễn Văn Dương thành lập công ty CNC, được ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) tạo điều kiện để hoạt động. Bị can Dương đã chỉ đạo các thành viên trong công ty thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu, xây dựng cổng thanh toán kết nối với các công ty trung gian thanh toán, thu lời bất chính hơn 1.655 tỷ đồng.

Cùng bị truy tố về 2 tội danh trên, bị can Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty VTC online) được cơ quan công an xác định đã thu lời bất chính hơn 1.475 tỷ đồng. Ông Phan Văn Vĩnh; Nguyễn Thanh Hóa cùng bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…

Đối với các công ty viễn thông phát hành thẻ cào, tổng số tiền đã được hưởng là hơn 1.232 tỷ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý. Việc hưởng lợi của các công ty trung gian thanh toán (phát hành thẻ game) thu lời từ hoạt động phạm tội tổ chức đánh bạc bằng game bài là 14.621 tỷ đồng…

Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân khác có liên quan do chưa có điều kiện xác minh, làm rõ nên Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ tách ra, tiếp tục điều tra, xử lý ở giai đoạn 2.