Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiêu điểm tuần] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước họp lãnh đạo chủ chốt ngay trước Hội nghị TƯ 10

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trước Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thống nhất cao với các công việc trọng tâm của tháng 5/2019 và thời gian tới.

Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Từ ngày 16/5 đến ngày 18/5/2019, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII họp Hội nghị lần thứ mười để thảo luận, cho ý kiến về: Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; góp ý việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua nghị quyết của Hội nghị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, ngay sau Hội nghị này, cần phải nghiêm túc quán triệt Nghị quyết của Trung ương, khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh các đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội để trình Hội nghị Trung ương 11 xem xét, quyết định vào cuối năm nay; chỉ đạo thật tốt việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2019 - 2020 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thảo luận và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kết luận: Tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2019 có nhiều ngày lễ kỷ niệm và sự kiện đối nội, đối ngoại quan trọng.
Lãnh đạo chủ chốt và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đã bám sát chương trình, kế hoạch và diễn biến của tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ; xử lý kịp thời và hiệu quả những vấn đề đột xuất, phát sinh, bảo đảm tốt các công việc của Đảng, Nhà nước, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Lãnh đạo chủ chốt thống nhất cao với các công việc trọng tâm của tháng 5/2019 và thời gian tới. Trước mắt, tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 10 khóa XII, các phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp tới; tập trung bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII và các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tất cả các chương trình, kế hoạch đã đề ra cần phải bám sát để kiểm tra, đôn đốc thực hiện, không được để chậm việc, sót việc, không được chủ quan, tự mãn; lần này cần phải quan tâm chỉ đạo nhiều hơn, sát hơn đại hội đảng bộ các cấp, không để vì chuẩn bị đại hội mà sao nhãng các công việc thường xuyên, công việc phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, chăm lo đời sống của nhân dân; tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao ở các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong nhân dân...
 Đại lễ Vesak năm 2019 được tổ chức trọng thể, trang nghiêm tại Hà Nam
Bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019

Sáng 14/5, tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) đã diễn ra lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đại lễ Vesak năm 2019 được tổ chức trọng thể, trang nghiêm với sự tham gia của trên 3.000 đại biểu đến từ 113 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục nghìn tăng, ni, Phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi. Trong những ngày qua, những tinh hoa về tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo đã kết nối bầu bạn khắp nơi hội tụ về Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc trong tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa những người có chung tâm nguyện cùng nhau thúc đẩy tinh thần khoan dung, hòa hợp để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
Đại lễ Vesak năm nay có chủ đề "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững" đã được tuyên xưng trong tinh thần dân chủ, hòa hợp và trách nhiệm lớn lao.
"Các quý vị đã có cơ duyên để gặp gỡ, trao đổi ý kiến, thảo luận với các phái đoàn đến từ nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau về những giá trị tích cực của Phật giáo và đóng góp của Phật giáo trong thời đại ngày nay trên các phương diện vì hoà bình bền vững, về chăm sóc sức khỏe, về giáo giáo dục và đạo đức toàn cầu, về tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời đưa ra những quan điểm và các giải pháp của Phật giáo trong tinh thần từ bi và trí tuệ đối với các vấn đề đang ảnh hưởng đến việc xây dựng xã hội phát triển bền vững", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Theo đó, các ý nguyện tốt đẹp về một thế giới hòa bình, về một xã hội phát triển bền vững đã được thảo luận, thống nhất thể hiện qua Tuyên bố chung Hà Nam Vesak 2019, khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc hiện thực hoá Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
 
Nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong tuần này do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt. Nắng nóng khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.
Như tại Hà Nội ngày 17/5 ghi nhận khu vực Láng có nhiệt độ trên 40 độ C, các khu vực còn lại hơn 38 độ C. Đến 18/5, nhiệt độ cao nhất tại một số trạm khí tượng đạt hơn 39 độ C (nhiệt độ đo trong lều). Nhiệt độ ngoài đường vào ban trưa lên tới 43 - 44 độ C.
Dự báo, ngày 20/5 nắng nóng kết thúc ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nắng nóng sẽ dịu dần.
Đáng chú ý, trong các ngày qua chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 7 - 10 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng.
Cơ quan chức năng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài trong 1 - 2 ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư, do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ và vùng núi Bắc Bộ. Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
 Ngày 17/5/2019, mức tiêu thụ điện toàn hệ thống lại đạt ''đỉnh'' mới
Sản lượng tiêu thụ điện liên tục lập "đỉnh"
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), 5 tháng đầu năm 2019 chưa phải là thời kỳ cao điểm nắng nóng nhưng hệ thống điện đã ghi nhận lượng tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy.
Cụ thể, ngày 24/4 là ngày nóng nhất tháng 4/2019, công suất đầu nguồn cực đại (Pmax) toàn hệ thống đã đạt 35.703 MW, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua Pmax trong đợt nắng nóng cực đoan nhất năm 2018 (35.118 MW - ngày 3/7/2018). Tiếp đến ngày 17/5/2019 mức tiêu thụ điện toàn hệ thống lại đạt đỉnh mới, với công suất đỉnh đầu nguồn toàn hệ thống lên tới 35.912 MW.
Cùng với đó, lượng điện năng tiêu thụ đầu nguồn toàn hệ thống điện quốc gia trong ngày 17/5/2019 lên đến 755 triệu kWh. Số liệu này cũng đã phá kỷ lục, vượt qua mức đỉnh của năm 2018 là 725 triệu kWh vào ngày 3/7/2018. Theo số liệu thống kê của 4 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ đạt 74,35 tỷ kWh, tăng trưởng 11% so với năm 2018.
Thực tế cho thấy trong nhiều năm nay, nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nền nhiệt độ. Nếu bước vào cao điểm nắng nóng trong các tháng 5 - 6, dự kiến phụ tải còn tiếp tục tăng trưởng cao. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000 - 39.000 MW, tăng 11-14% so với cùng kỳ 2018.
Cũng theo A0, hiện công tác vận hành nguồn điện vẫn rất căng thẳng. Tuy nhiên với nhiều giải pháp cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định sẽ cung cấp đủ điện trong cao điểm mùa nắng nóng và cả năm 2019.
 Xăng RON 95 giảm 592 đồng/lít từ 17/5
Xăng dầu giảm giá nhẹ sau 3 lần tăng liên tiếp
Chiều 17/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Cụ thể, từ 15h giá bán xăng RON 95 giảm 592 đồng/lít và xăng E5 RON 92 giảm 200 đồng/lít. Mức giá mới với xăng E5 là 20.488 đồng/lít trong khi giá xăng RON 95 là 21.599 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng giảm nhẹ. Mức giảm với dầu diesel là 81 đồng/lít, dầu hỏa giảm 203 đồng/lít và dầu mazut giảm 466 đồng/kg. Giá các mặt hàng dầu lần lượt là 17.614 đồng/lít dầu diesel, 16.422 đồng/lít dầu hỏa và 15.536 đồng/kg dầu mazut.
Như vậy, sau 3 lần tăng liên tiếp với mức 3.500 đồng, giá xăng dầu đã giảm nhẹ. Trong khi đó theo liên Bộ, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 17/5 là 75,6 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 5,9 USD); 77,4 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 4,9 USD).
Trong chỉ thị mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới. Nếu cần có thể kết hợp với việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường.
Chủ động có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát cũng như đảm bảo dư địa điều hành cho các tháng cuối năm.
 Tiêu hủy lợn bị dịch ở tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng.
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp
Dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, khi mà đến nay, đã có hơn 30 tỉnh thành trên cả nước xuất hiện dịch, với trên 1,5 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy và đang không ngừng lây lan trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, công tác tổ chức phòng chống dịch nảy sinh muôn vàn khó khăn.
Như tại Thanh Hóa, ngày 18/5 vẫn phát sinh thêm 457 con lợn mắc bệnh. Cùng ngày, tỉnh Lào Cai đã công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại xã Bản Lầu và xã Lùng Vai (huyện Mường Khương). Trong khi đó, dịch tái xuất Thừa Thiên Huế khi mà tỉnh này vừa công bố hết dịch hôm 11/5. Còn tại các tỉnh phía Nam, Đồng Nai hiện có 3 huyện với 5 xã có lợn nhiễm bệnh tả heo châu Phi với gần 1.000 con đã bị tiêu hủy, đây là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước.
Trước thực trạng trên, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cảnh báo: Nhiều nơi, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc, công tác nắm bắt, điều tra, phát hiện và xử lí ổ dịch đang nảy sinh vô vàn bất cập như: Giám sát, phát hiện, báo cáo công bố dịch chậm, dẫn tới dịch bệnh lây lan; một số địa phương chưa chủ động nắm bắt kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, chậm báo cáo hoặc báo cáo sai dẫn đến khó khăn trong xử lý ổ dịch, chưa xử lý kịp thời khi dịch bệnh lây lan. Ví dụ điển hình cho thực trạng này như Bắc Giang, Phú Thọ.
Một số địa phương như Hà Nam, Nam Định, mặc dù các văn bản hướng dẫn nói là không điều trị, nhưng người chăn nuôi vẫn tự điều trị, có nơi thú y xã hướng dẫn điều trị lợn bệnh tốn cả chục triệu đồng, kết quả lợn vẫn chết và lây lan dịch bệnh. Một số địa phương chậm công bố dịch; có tình trạng người dân bán chạy lợn, vứt lợn chết ra ngoài môi trường ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng…
Công tác phát hiện, tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời và chưa triệt để, mặc dù Bộ NN&PTNT và Cục Thú y đã có các văn bản hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể, nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện đúng, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nhiều nơi chỉ tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết, còn những con khác trong cùng ô thì giữ lại để theo dõi theo kiểu cố giữ, cuối cùng tất cả số lợn này đều chết, dẫn đến việc tiêu hủy lặp đi lặp lại nhiều lần trong một hộ.
 Hiện trường vụ án
Vụ án 2 thi thể bị đổ bê tông
Trong tuần này, vụ án tại Bình Dương đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và giới truyền thông.
Tối 18/5, cơ quan công an bước đầu xác định danh tính 2 nạn nhân là Trần Đức Linh (quê Nghệ An) và Trần Trí Thành (ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).
Theo kết quả điều tra ban đầu, Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), Lê Ngọc Phương Thảo (còn gọi là Thanh, 29 tuổi, quê Tiền Giang) cùng 2 nạn nhân và một số người khác sinh hoạt trong nhóm tu luyện của 1 giáo phái.
Thời gian đầu, nhóm này đến nhà của bà Trịnh Thị Hồng Hoa (66 tuổi, mẹ của Hà) tại quận Tân Phú để tu luyện rồi chuyển qua quận 12. Tháng 9/2018, nhóm của Hà thuê căn nhà trên đường D2, trong khu tái định cư Bàu Bàng (xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương). Lúc này có một phụ nữ tên An tham gia tu luyện nhưng bà này bỏ đi. Lo sợ bà An tiết lộ thông tin khiến nhóm tu tập bị lộ, những người này bỏ căn nhà ở đường D2, đến thuê nhà của ông Nguyễn Minh Vương tại ấp 5, xã Hưng Hòa, Bàu Bàng.
Cuối năm 2018, cả nhóm đến một khu du lịch tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) thuê phòng, mở lớp tu luyện. Tại đây, nạn nhân Trần Đức Linh xảy ra mâu thuẫn với Hà và Thảo. Các nghi can khai anh Linh sau đó nhảy từ trên lầu xuống đất tử vong khi tu luyện.
Gần một tuần sau, nhóm này đưa thi thể Linh về căn nhà thuê của ông Vương. Họ bỏ thi thể anh Linh vào thùng nhựa, ướp bằng xác trà và đổ bê tông vào.
Những ngày sau đó, Hà thấy anh Thành có biểu hiện lạ, hay nhìn phụ nữ nên nảy sinh ý định giết anh này. Hà và Thảo dùng bộ kích điện làm cho anh Thành bất tỉnh rồi Hà siết cổ nạn nhân tới chết. Sau đó, Hà và Thảo mua thùng nhựa, xi măng về đổ bê tông, phi tang thi thể nạn nhân.
Vụ án chỉ được phát hiện khi ông Nguyễn Minh Vương bán nhà cho ông Nguyễn Thanh Huân. Sau khi bán được nhà, ông Vương liên hệ với người phụ nữ thuê nhà để thông báo nhưng bất thành nên đề nghị ông Huân cứ dọn vào ở.
Ngày 15/5, ông Huân cùng người thân đến dọn dẹp căn nhà mới mua thì phát hiện một bồn nhựa, bên trong có khối bê tông. Người này thuê ông Nguyễn Mạnh Hùng (55 tuổi) đập bỏ và phát hiện bên trong bốc mùi hôi thối, nên báo công an. Sau khi công an đến và cho đập vỡ khối bê tông thì lộ ra thi thể người.
Đến rạng sáng 16/5, cảnh sát tìm thấy thùng nhựa thứ 2 đổ kín bê tông bên hông căn nhà. Khi đập khối bê tông này ra thì thấy có nhiều xác trà và một thi thể người có tóc ngắn.
 Đối tượng Đỗ Văn Bình tại cơ quan điều tra.
Liên tiếp giết người sau va chạm giao thông
Theo nội dung vụ án, khoảng 17h ngày 15/5, anh Hà Văn Hưng (sinh năm 1985, ở xã Chu Phan, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) điều khiển xe máy chở anh Đoàn Văn Tùng (sinh năm 1996, ở thôn Vạn Phúc, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh) đến đoạn đường kênh mương thuộc thôn Vạn Phúc, xã Vạn Yên thì xảy ra va chạm giao thông với ô tô Toyota Fortuner biển kiểm soát 30F-579.68 do Đỗ Văn Bình (sinh năm 1981, trú tại thôn Vạn Phúc, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh). Hai bên xảy ra xô xát, Bình bị đánh dẫn đến thương tích và nảy sinh ý định trả thù.
Tối cùng ngày, Bình hẹn 2 nạn nhân đi uống bia và hát karaoke để giảng hòa. Tiếp đó đối tượng đã dùng dao bầu sát hại anh Hà Văn Hưng ở xã Vạn Yên, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc; đâm tử vong anh Đoàn Văn Tùng tại địa phận xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Sau đó, Bình đi xe tải đến quán phở của chị Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1983, ở xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch), cầm dao bầu chém hai nhát vào đầu và người nạn nhân, làm chị Thảo bị thương tích nặng, được cấp cứu trong bệnh viện.
Đối tượng lên xe ô tô bỏ chạy đến địa phận huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc thì bị người dân dùng xe ô tô chặn đường. Bình điều khiển xe tải đâm thẳng vào chiếc xe ô tô của người dân tham gia truy đuổi. Tiếp theo, Bình dùng dao bầu đe dọa lái xe taxi hãng Thành Công đang đỗ gần đó, cướp xe taxi và điện thoại di động Samsung của nạn nhân, rồi điều khiển xe đi về xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.
Rạng sáng 16/5, Bình vào một quán ăn sáng ở xã Tiến Thắng, nói xe taxi hết xăng và hỏi mượn xe máy của chủ quán để đi mua xăng. Bình để lại xe taxi ở quán và tiếp tục điều khiển xe máy đi lên khu vực Phổ Yên (Thái Nguyên) bỏ trốn.
Đến sáng 17/5, Bình đi xe máy đến xã Yên Phương (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) mục đích tìm giết chị Trần Thị Thư (sinh năm 1989, trú tại xã Yên Phương). Bình mua dao bầu ở chợ rồi ngồi cách nhà chị Thư 500 m phục đợi chị này đi làm về. Khoảng 13h30 ngày 17/5, thấy chị Thư đi qua, Bình dùng dao bầu đâm hai nhát vào bụng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Đỗ Văn Bình khai lý do muốn sát hại hai người phụ nữ trên là để thanh toán thù oán trước đây. Đến 15h ngày 17/5, Bình bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại khu vực xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
 Nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận Tề Trí Dũng
Bắt giam nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận
Ngày 14/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Ông Dũng bị khởi tố về 2 tội danh: Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Năm 2015, ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (viết tắt là IPC, trực thuộc UBND TP) khi mới 34 tuổi. Trong các năm tiếp theo, dưới sự lèo lái của ông Dũng, Công ty IPC đã khiến cho tài sản Nhà nước bị thất thoát sau những phi vụ chuyển nhượng khó hiểu.
Thanh tra xác định vào tháng 9/2016, Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/cổ phiếu nhưng đến tháng 6/2017, Công ty Sadeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim với giá chỉ có 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ quan thanh tra tính toán trong thương vụ chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu này, chỉ riêng phần chênh lệch 17.000 đồng/cổ phiếu thì thiệt hại ít nhất đã là 153 tỷ đồng.