Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiểu thuyết thứ 12 của Nguyễn Khắc Phục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hỗn độn” - cuốn tiểu thuyết thứ 12 của nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Dành 10 năm tâm huyết, trăn trở, ông coi đây là “đứa con tinh thần” tâm đắc nhất trong sự nghiệp văn chương của mình.Tiểu thuyết thứ 12 của Nguyễn Khắc Phục - Ảnh 1

Tác phẩm sử dụng cấu trúc lộn ngược cùng cách gọi tên “giả tưởng” như: Rơm, anh Hề, Người Mê, Vong Mũ Sắt, Con Tin, Kỳ Ngông, Người Xanh và Ngợm Xám... để miêu tả một cách trần trụi số phận những kiếp người xung quanh nhân vật trung tâm tên Rơm. Tưởng như, “Hỗn độn” sẽ đưa người đọc đến một không gian hoang tưởng với những nhân vật từ hành trạng cho đến tính cách, nhân cách, số phận có phần kỳ dị, lạc lõng. Nhưng kỳ thực, tất cả đều là sự thật được phơi bày về số kiếp của những con người bất hạnh. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, họ vẫn không biết được mình sinh ra để làm người hay bị đọa đày, cả thể chất và tâm hồn trong cái cõi u mê, tối tăm, giảo trá đến bệnh hoạn. Mà ở đó, có một thế lực luôn nhăm nhe biến người thành ngợm, biến ma quỷ và phường vô lại thành những đấng mũ cao áo dài…

Nguyễn Khắc Phục đã đặt Rơm vào những trang văn có màu sắc giễu nhại chua xót bên cạnh những dòng tự sự thấm đẫm cay đắng, tự mổ xẻ đến kiệt cùng, phơi bày tất thảy tốt – xấu, trắng – đen. Tưởng chừng nhà văn có ý đồ phóng đại anh ta thành một kiểu nhân vật hoang tưởng, luôn đầy ắp những triết luận cao siêu. Và càng lầy lã bao nhiêu trong cuộc đời, Rơm lại bấy nhiêu khao khát về một tình yêu tuyệt đối với một nhân vật cũng “hỗn độn” không kém mình. Rơm gọi người ấy là “nàng”, “người bố thí”, “đàn việt”, “kẻ hớp hồn”, “nàng tiên cá” hay “con bé”. Có lẽ, chính sự kết hợp của “hai mảnh vỡ song sinh” đã làm cho mọi việc vốn hỗn độn trở nên có thể hiểu, cảm nhận và chia sẻ được... với những người bên ngoài. Thông qua những nhân vật đau khổ, Nguyễn Khắc Phục vẽ ra một hiện thực xã hội chua xót, đưa ra những dự cảm bất an về sự tha hóa của nhân phẩm con người. Ông mô tả cái xấu như một đại dịch đang xâm thực, sự tăm tối đang phình ra chiếm lĩnh nhân tính. Đáng nói là những trang cuối trong cuốn “Hỗn độn” được ông vua kịch bản sân khấu, lễ hội hoàn thành khi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.