Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm phương án cứu di sản Tràng An

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh về công trình xây dựng trái phép mới được dựng lên trong vùng lõi quần thể Di sản thế giới danh thắng Tràng An, các cơ quan quản lý đã vào cuộc. Ngày 6/3, Bộ VHTT&DL đã có cuộc gặp gỡ các cơ quan truyền thông, thông tin về mức độ vi phạm cũng như các phương án khắc phục.

Ngang nhiên vi phạm vùng lõi di sản
Vào dịp đầu Xuân, di sản danh thắng Tràng An bị dư luận phản ứng khi một công trình xây dựng không phép, lừng lững hiện diện trong vùng lõi di sản. Sau khi kiểm tra thực tế vào ngày 5/3, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL đánh giá mức độ vi phạm là rất lớn.
 Con đường lên núi Cái Hạ là một phần của công trình xây dựng không phép đang tồn tại ở di sản Tràng An.
Cụ thể, công trình này do ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An đầu tư mở điểm du lịch và đặt tên là “Tràng An Cổ” tại thôn Trường An (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Sau đó, công ty này tự ý cho khoan núi Cái Hạ dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống với khoảng 2.000 bậc, chiều dài khoảng 1km khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Được biết, khu vực núi Cái Hạ là vũng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm xây dựng.

Công trình được xây dựng từ tháng 8/2017 đến nay cơ bản hoàn thành. Điều dư luận thắc mắc là tại sao một công trình xây dựng không phép rất lớn vẫn ngang nhiên tồn tại?
Theo thông tin từ buổi làm việc giữa Đoàn Thanh tra liên ngành với Sở Du lịch Ninh Bình, sau khi nắm bắt vụ việc, Sở Du lịch Ninh Bình đã phối hợp cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông Son dừng mọi hoạt động xây dựng và tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép. Đồng thời, Sở Du lịch Ninh Bình cũng ra 4 văn bản gửi UBND huyện Hoa Lư, yêu cầu sát sao ngăn chặn, nhưng huyện không có một công văn hồi đáp.
Đến khi sự việc vỡ lở, Đoàn Thanh tra liên ngành về thị sát, bà Nguyễn Thị Cúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư mới thừa nhận trách nhiệm của đơn vị này là có những lúc còn buông lỏng quản lý. Sau buổi kiểm tra, Đoàn Thanh tra liên ngành yêu cầu chính quyền địa phương quy trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân khi để xảy ra công trình xây dựng vi phạm này.

Kiên quyết dỡ bỏ

Cho đến nay, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc khẳng định công trình “Tràng An Cổ” không có hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép xây dựng. Chính vì vậy, Đoàn Thanh tra yêu cầu Sở Du lịch Ninh Bình khẩn trương báo cáo UBND tỉnh, gửi các địa phương có di tích tháo dỡ khẩn trương công trình trái phép, trả lại nguyên trạng vì đây là vùng lõi của di sản.
“Ngoài ra, căn cứ Nghị định 158 của Chính phủ, điều 13 của Luật Di sản… với mức xử phạt vi phạm này cá nhân sẽ bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tổ chức có thể mức phạt lên đến 80 triệu đồng. Dựa vào kết quả làm việc của UBND tỉnh Ninh Bình với các đơn vị, có thể sẽ xử lý sai phạm một cách nghiêm khắc hơn để nêu cao tính răn đe” – ông Phạm Xuân Phúc cho biết.

Được biết ngày 6/3, UBND tỉnh Ninh Bình đã họp với các sở, ngành địa phương để rà soát và đề xuất phương án khắc phục. Theo đánh giá của Đoàn Thanh tra, việc vận chuyển vật liệu, chặt cây… trong quá trình xây dựng công trình, đã ảnh hưởng đến khu di sản, do đó việc tháo dỡ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau một thời gian khắc phục giá trị di sản sẽ hồi phục trở lại.
Năm 2014, UNESCO đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An là địa danh được đầu tư để trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế.